Đồng bào Cơ Tu ở xã Lăng tổ chức lễ hội đón xã nông thôn mới. Con trâu được buộc trong lễ hội, nhưng không bị đâm như trước kia
Bao đời nay, người dân tộc Cơ Tu huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, bị đau ốm, cha mẹ qua đời, mất mùa… mua trâu về cúng. Đây là hình ảnh không chỉ ghê rợn, mà còn tốn kém, đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo đói.
Theo ông Arất Blúi - Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang, mỗi lễ đâm trâu, gia chủ phải tốn tới hàng chục triệu đồng, đó là gánh nặng tài chính không nhỏ. Nhiều người rất nghèo nhưng vẫn vay mượn tiền để làm lễ đâm trâu nên cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói cứ đeo bám.
Phong tục đâm trâu của dân tộc Cơ Tu cũng giống như nhiều dân tộc vùng cao ở Quảng Nam. Trong ngày lễ, con trâu được buộc vào cây nêu và mọi người dùng cây giáo nhọn đâm cho đến chết. Đã có vụ người dân bị trâu tấn công do đứt dây; hay có lần cây giáo văng ra ngoài, lao vào những người đứng xem.
Nhận thấy tục đâm trâu không còn phù hợp nữa, từ năm 2013, chính quyền huyện Tây Giang thuyết phục bà con người Cơ Tu bỏ dần phong tục này bằng cách: Huyện mời các Già làng, Trưởng bản, Người có uy tín của các làng Cơ Tu đến hỏi ý kiến và đưa ra đề nghị, thay vì đâm trâu cho đến chết thì bà con vẫn mang trâu ra làm lễ rồi dắt vào giết thịt. Cách làm này vẫn thực hiện các nghi thức cúng bái truyền thống, vừa văn minh lại không gây phản cảm. Tuy nhiên, nhiều người phản đối gay gắt, với quan điểm nghi thức đâm trâu là phần vui nhộn nhất trong lễ hội, nếu bỏ đi thì toàn bộ nét văn hoá này của người Cơ Tu cũng mất hết.
Để thuyết phục bà con, lãnh đạo huyện Tây Giang mời người dân về dự lễ hội truyền thống “kiểu mới”. Tại đây, một con trâu được cột vào cây nêu, các hoạt động diễn ra theo phong tục. Tuy nhiên, khi làm lễ xong, con trâu được đưa đi nơi khác giết mổ chứ không bị đâm như ngày trước. Sau khi xem xong, người dân nhận thấy không cần đâm trâu mà lễ hội vẫn diễn ra bình thường, vẫn có máu trâu làm lễ cúng, không ảnh hưởng đến phong tục. Mặt khác, Huyện ủy Tây Giang ban hành nghị quyết xây dựng nông thôn mới gồm 5 không, trong đó có nội dung không tổ chức đâm trâu, giết bò khi cưới vợ gả chồng.
Già làng Blong Jim, ở thôn A Rầng 1, xã A Xan cho biết: “Tôi họp dân làng và cũng nói rõ rằng nên bỏ dần những hủ tục vì chúng ta phải tiến đến những cái chung. Trước tiên là phải giữ trâu lại để làm sức kéo cày. Thứ hai là tiết kiệm vì nếu đâm trâu nhiều thì vốn liếng của các gia đình sẽ sụt dần đi. Mình nói đúng nên dân nghe theo”.
Hy vọng rằng, sau đâm trâu, hủ tục thách cưới, phạt vạ... cũng dần được bỏ để dỡ bỏ gánh nặng cho đồng bào nghèo.
Hoài Văn