Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát với những diễn biến hết sức phức tạp, Hội CCB Xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc cùng hệ thống chính trị và nhân dân trong xã tích cực thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa tham gia phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ổn định cuộc sống hội viên và nhân dân. Là xã tập trung nhiều công ty, doanh nghiệp, kinh doanh dịch vụ phát triển thì hai mục tiêu này càng được Hội CCB xã Đồng Văn chú trọng.

Đầu tháng 5, khi thôn Báo Văn 1, xã Đồng Văn phát hiện có ca bệnh số 2.978 (sinh năm 1988), CCB trong xã tích cực vào cuộc tham gia truy vết.  Cả thôn có 53 trường hợp F1, 145 trường hợp F2; thôn Báo Văn 1 thực hiện phong tỏa từ 22 giờ ngày 3-5-2021. Ngay trong đêm, 4 chốt kiểm soát tại các con đường ra - vào thôn được lập, trong đó có 56/112 hội viên CCB tham gia túc trực ngày đêm, bất kể nắng, mưa trong những chiếc lán nhỏ dựng tạm gần 3m2. “Nội bất xuất, ngoại bất nhập” là quy định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh huyện Yên Lạc, được 250 hộ dân thôn Báo Văn 1 nghiêm túc chấp hành, ai cũng tự giác để phòng, chống dịch bệnh an toàn.

Cùng với tham gia phòng, chống dịch, Hội huy động hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Hội CCB xã Đồng Văn có 373/530 hội viên làm doanh nghiệp vừa và nhỏ; chuyên kinh doanh, sản xuất phôi thép, chế tạo máy, cơ khí, lắp ráp điện tử, thiết bị điện dân dụng, mua bán ô tô… Dù thị trường có nhiều biến động, nhưng các doanh nghiệp của hội viên CCB đã chủ động dự trữ được nguồn nguyên liệu, có kế hoạch khắc phục khó khăn, nên mọi quy trình sản xuất vẫn diễn ra tương đối ổn định. Từ tháng 4-2021, gần 70% doanh nghiệp trên địa bàn xã vẫn có thu nhập mỗi tháng vài chục triệu đồng/doanh nghiệp. Đồng thời, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, tiền công 250.000-400.000 đồng/người/ngày. Trong SXKD tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch như kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu nhân công đeo khẩu trang, thực hiện sát khuẩn ra vào nơi làm việc. Tiêu biểu như Công ty TNHH thương mại Khánh Dư, Công ty TNHH thương mại Trường Biện… thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vừa kiện toàn bộ máy doanh nghiệp để bảo đảm cạnh tranh về chi phí; đầu tư mua mới nhiều trang thiết bị hiện đại, nhạy bén trong điều tiết sản xuất để đạt hiệu quả cao. Từ đầu năm 2021 đến nay, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng doanh thu của Công ty vẫn đạt trên 150 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ: Các cơ sở của hội viên trên địa bàn xã chủ động cho nhân viên luân phiên, bố trí đổi ca làm việc để vừa đảm bảo phòng, chống tốt dịch bệnh, vừa đảm bảo tiến độ hoàn thiện các sản phẩm, lại vừa duy trì thu nhập.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, hội viên bám sát chỉ đạo của trên về triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; đưa các giống lúa mới, chất lượng vào sản xuất. Từ tháng 4-2021, hàng chục hội viên tham dự tập huấn về kỹ thuật trồng rau sạch, phòng trừ sâu hại lúa, cây ăn quả do các đơn vị địa phương phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Yên Lạc, Hội Nông dân xã tổ chức.    

Sau 14 ngày không phát hiện thêm trường hợp nào dương tính với Covid-19, ngày 18-5, thôn Báo Văn 1 được lệnh gỡ bỏ phong tỏa, kết thúc thời gian cách ly xã hội. Gần 1.000 người dân vỡ òa niềm vui trong tiếng reo hò, phấn khởi, vì mọi người được trở lại cuộc sống lao động sản xuất bình thường. Dù đã hết lệnh phong tỏa, nhưng CCB và nhân dân vẫn nêu cao ý thức, tuân thủ mọi quy định của các cấp chính quyền, không lơ là, đề phòng dịch bệnh tái phát…

Đảng bộ, chính quyền xã Đồng Văn ghi nhận và đánh giá cao vai trò của Hội CCB trong hoạt động hiệu lực, hiệu quả công tác Hội, đặc biệt dịch ở thôn Báo Văn 1 đã được kiểm soát, ngăn chặn, khống chế thành công. Khẳng định sức mạnh đoàn kết Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc chiến chống đại dịch lâu dài và gian khó.

Vừa tham gia phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch Covid-19, là nỗ lực lớn với tinh thần vượt khó và quyết tâm cao của BCH và cán bộ, hội viên CCB xã Đồng Văn. Toàn Hội tiếp tục cùng chung tay với tỉnh nhà và cả nước đẩy lùi, chiến thắng dịch bệnh.

Lê Thị Lan

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ)

Mô hình trồng dưa leo trong nhà kính của HTX Dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Thương Phú của các CCB xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Nông nghiệp trong nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn do nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Ngoài ra, liên kết lỏng lẻo trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và hộ nông dân dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa.

Hiện nay, vấn đề người nông dân phải tự “bơi” trên mảnh đất của mình, sản xuất theo hướng cầu may vẫn phổ biến trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện tượng ùn ứ nông sản năm nào cũng có, đặc biệt càng khó khăn trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát. Người nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa thể gặp nhau. Các doanh nghiệp luôn có “tư duy thương vụ”, trong khi người sản xuất thì có “tư duy mùa vụ”. Nếu hai tư duy này không gặp nhau thì câu chuyện “giải cứu” nông sản vẫn không thể chấm dứt hoàn toàn.

Trong những ngày này, mặt hàng vải thiều may mắn được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân chung tay hỗ trợ tiêu thụ. Theo Thống kê của Bộ NNPTNT cho thấy, uớc tính niên vụ 2021, sản lượng vải thiều của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên đạt 250.000 tấn; trong đó tiêu thụ quả tươi xuất khẩu chiếm 50% và tập trung chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Tỉnh Bắc Giang vừa phối hợp với Bộ Công thương, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021, với 22 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố trên cả nước và 8 điểm cầu tại nước ngoài. Thực hiện phương án hỗ trợ tiêu thụ nông sản, chia sẻ với nông dân trồng vải thiều tại tỉnh Bắc Giang trong bối cảnh đầu ra gặp khó khăn, tỉnh Thanh Hóa tổ chức chương trình hỗ trợ tiêu thụ 3.000 tấn vải thiều, tỉnh Hậu Giang hỗ trợ tiêu thụ 40 tấn, doanh nghiệp Grab hỗ trợ đưa 300 tấn vải từ vườn đến tay người dùng thông qua ứng dụng công nghệ trong dự án GrabConnect…

Khó khăn chưa dừng lại ở đó. Theo nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý, sắp tới nhiều loại nông sản, trái cây khác như dưa hấu, xoài, thanh long, chôm chôm, nhãn... vào vụ thu hoạch trong khi Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính sẽ tạo áp lực lớn về tiêu thụ cho người nông dân và doanh nghiệp. Mặt khác, những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 vẫn đang khiến chi phí sản xuất, lưu kho, bảo quản nông sản tăng cao và chắc chắn không thể tránh khỏi hoạt động kinh doanh bị đứt đoạn, giao thương hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới bị chậm trễ.

Để giải quyết triệt để tình trạng không ăn khớp giữa sản xuất nông nghiệp - thị trường tiêu thụ, Thứ trưởng Bộ Công thương - Đỗ Thắng Hải cho rằng: “Cần thực hiện tốt công tác tổ chức sản xuất - phân phối bảo đảm cung ứng sản phẩm nông sản đáp ứng đúng yêu cầu của từng thị trường. Theo đó, cần phải bám sát và triển khai hiệu quả 3 vấn đề chính, đó là quy hoạch, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và tổ chức kênh tiêu thụ nông sản”.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế hợp tác vẫn là cứu cánh, là nền tảng cho tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp. Việc tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp và các hình thức hợp tác khác nhằm từng bước chuyên nghiệp hoá hoạt động của các chủ thể. Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 đề ra mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 cả nước có trên 5.000 HTX và 500 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có khoảng 50% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị… Ngoài ra, các mô hình kinh tế tập thể mạnh sẽ giúp đẩy lùi hiện tượng lực lượng thương lái - một đội quân trung gian đang lũng đoạn thị trường, mà nông dân phải tuân theo những yêu cầu của họ vì không có họ thì không biết bán đi đâu, chịu cảnh “được mùa, mất giá”.

Để hoạt động tiêu thụ nông sản được thuận lợi và mang lại hiệu quả cao, nhất trong bối cảnh dịch bệnh được dự báo còn kéo dài, đòi hỏi các địa phương phải chủ động thực hiện các giải pháp hợp lý cho từng mặt hàng, đặc biệt rất cần có “bàn tay điều hòa” thông qua những chính phù hợp  của Nhà nước, giới khoa học và sự nhận thức mới của người nông dân cùng phát triển “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”.

Hồ Thanh Hương