Tôi vừa được Đại tá Nguyễn Duy Tường - Tổng Biên tập Báo CCB Việt Nam tặng cuốn tự truyện “Sống và viết” của anh. Cuốn sách in đẹp, chỉn chu với lời đề tặng hết sức trân trọng khiến tôi cảm động. Cảm động vì tấm chân tình của anh, và vì trong thâm tâm, tôi thán phục bút lực của anh, người đã thể hiện sống động cuộc đời chinh chiến hào hùng của nhiều tướng lĩnh. Qua các hồi ký của các tướng lĩnh mà anh đã thể hiện, ta có thể thấy sự khốc liệt của chiến tranh ở mọi chiến trường: Nam Bộ của Đại tướng Phạm Văn Trà, Khu 5 của Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Lào của tướng Bình Sơn, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn huyền thoại của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Thiếu tướng Võ Bẩm, Thiếu tướng Võ Sở… Ngòi bút của anh cũng đi theo những trận đánh ở khắp các chiến trường của Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng… Đó là chưa kể với tư cách là người được đào tạo cơ bản về lịch sử, anh chủ trì hoặc tham gia viết sử của nhiều ngành, nhiều đơn vị trong Quân đội… Từng đó công phu, có thể khái quát: Anh là một trong những người khắc họa chân dung chân thật của cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Duy Tường là người con của Xuân Đan, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Quê hương anh là nơi hội tụ biết bao niềm tự hào của người dân xứ Nghệ: Được bao bọc bởi sông Lam, núi Hồng; nơi sản sinh ra những nhân tài như Đại thi hào Nguyễn Du, Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ…, những câu hát ví, hát dặm tình tứ đến nao lòng… Người dân bình dị thì truyền đời những truyền thống của quê hương: “Lúa Xuân Viên, quan Tiên Điền, tiền Hội Thống, trống Đan Tràng…”. Từ miền quê ấy ra đi, hỏi sao mà không nhớ, không tự hào!
Phần đầu của cuốn sách, anh kể về quê hương. Những tên người, tên đất, phong tục, tập quán, câu hát của quê hương đã nằm lòng anh từ tấm bé. Cái thời xa xưa nghèo khó, giờ hiện lên trang viết, đọc mà thấy thương. Diện mạo quê hương cứ ám ảnh trong anh bởi hai câu Kiều của cụ Nguyễn - Tiên Điền: “Bốn bề bát ngát xa trông/ Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”. Một vùng quê “rành” cát khiến việc canh tác thật nhọc nhằn. Trước đây, tôi hình dung mấy o Nghi Xuân giỏi hát Ví, hát Dặm nên chắc ai cũng thon thả, thắt đáy lưng ong, chẳng mấy hợp với đồng áng. Nhưng đọc tự truyện của Duy Tường, mới hiểu ra, họ không chỉ hát hay, xinh đẹp, mà còn rất đảm đang, làm giỏi cả việc cày bừa, cấy hái và những việc nặng nhọc của nhà nông, thậm chí “cổ cày vai bừa”, như anh kể về mẹ. Tuổi thơ thật đẹp. Những gì thời trẻ con đã trải qua được anh tái hiện với tất cả nỗi niềm nhớ nhung trân trọng: Những buổi chăn trâu, cắt cỏ, cào lá phi lao, bắt cá, chơi trận giả, ăn trộm trái cây, hái hoa cây bần hút mật, thả cho hoa lông nhông lăn trong gió biển, đuổi bắt dã tràng, thả diều, đá bóng… Rồi cả những kỷ niệm tuổi thơ trong chiến tranh vẫn còn in đậm: Học dưới lùm cây, học trong đêm dưới ánh đèn leo lét ám khói dầu ma dút, nghịch dại tháo hàng trăm quả bom bi bằng cách đập hai quả vào nhau cho chúng vỡ đôi… Chiến tranh, hình ảnh những chiếc máy bay phản lực Mỹ bay phía trên cánh diều đọng lại như sự tương phản của chết chóc và yên bình.
Thuở xa xưa ấy, cái gì cũng quyến rũ: Bãi biển cát mịn rộng mênh mông, thăm thẳm, rừng phi lao cao vút, bãi dứa dại bạt ngàn, những ngôi miếu cổ thần bí… Có nhiều thứ hồi nhỏ thấy rất to, lớn lên lại thấy nhỏ bé. Ngày trẻ con, được mẹ cho về thăm quê ngọại, ngồi cùng mẹ trên bến đò Giang Đình, Tường thấy sông Lam rộng mênh mông như “Đại trường giang”; lớn lên mới nhận ra “Khi ta bé, dòng sông nào cũng rộng”. Cái sự lưu giữ ký ức thời thơ ấu ấy càng khiến ta trân trọng nỗi nhớ quê hương của người con xa xứ.
Những người con xứ Nghệ, ai cũng tự hào về miền đất của mình, nhưng với đất Nghi Xuân thì niềm tự hào ấy còn được nhân lên vì nó có hầu hết những gì tinh túy mà trời đất ban cho xứ Nghệ. Người quê hương được anh kể lại hiền lành, chân chất, chăm chỉ. Những danh xưng: cu, đị, nhiêu, học, chắt, cháu, nho, hàn… gọi để nhận diện vai trò của mỗi người trong gia đình, trong xã hội; rồi những phương ngữ còn đậm đặc trong các câu ca, trong văn cúng, chẳng hạn: “Từng hột kê, hột độ. Từng ngó sọ dây lang. Thứ mô ngọt mô ngon. Thứ mô sây mô bậm…”, khiến những người xứ Nghệ đi xa đọc đến chúng, bỗng thấy rưng rưng. Duy Tường kể lại rành rẽ, trân trọng tất cả những người thân yêu ở quê nhà: ông bà, bố mẹ, anh em, họ hàng, xóm giềng, bạn chăn trâu, bạn học… Từ những người làm rạng danh xóm làng đến những người “dị biệt”. Mỗi người đều được nhắc tên, đặc tính và những chuyện đã để lại kỷ niệm trong anh. Quê anh, một làng giáp biển nên ngoài cái mặn mòi nắng gió, còn chịu đựng những ác liệt của chiến tranh, ngày đêm sống trong tiếng gào thét của máy bay, bom đạn và pháo hạm tàu. Những người dân bình dị tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương cũng tự nhiên, bình dị như chính con người họ. Không thể cầm được nước mắt khi cậu Sửu trước khi trở lại chiến trường đã trao lại bộ quần áo duy nhất cho mẹ Tường và nói: “Không biết lần này em vô trong đó có về được nữa không. Ả biết đó, cả đời giáo viên của em chỉ một bộ quân áo tươm tất, ngày đi bộ đội em để lại, mai mốt các cháu nhà chị lớn, đi học, đi nghề, chị cho các cháu, nói là quần áo của cậu cho”. Cậu Sửu đã nằm lại chiến trường. Ngày Tường đỗ đại học, lên đường nhập học, mẹ đốt bộ quần áo của cậu, nghẹn ngào trong nước mặt: “Sửu ơi. Cháu của em đã đỗ đại học rồi. Hôm nay cháu đi học, anh ả đã sắm đủ quần áo cho cháu. Còn áo quần em, ả gửi lại cho em, kẻo em còn nằm ở tận đẩu tận đâu, đất thì sâu, chắc em lạnh lắm…”.
Nguyễn Duy Tường dành những tình cảm đặc biệt để nói về cha mẹ và các anh chị em ruột. Cha anh, một người tài hoa, giỏi nhiều nghề, nhất mực thương con và rất hóm hỉnh. Mẹ anh là “một người mẹ chịu lắm thiệt thòi, cả đời vì chồng, vì con, tảo tần, toan lo, nặng nỗi thương người”. Hình ảnh người cha cần mẫn làm thợ và mẹ Tường “cổ cày vai bừa”, vượt qua những thời kỳ khốn khó của thời kinh tế hợp tác xã, cải cách ruộng đất, nuôi dạy tám đứa con nên người. Đó thực sự là một kỳ tích để mỗi đứa con đều hiểu ra “Dẫu cho đi hết cuộc đời/ Cũng không đi hết những lời mẹ ru”.
Gia đình của Tường có lẽ mang tính điển hình của những gia đình xứ Nghệ nghèo khó nhưng giàu tình người và ý chí phấn đấu. Gia đình không có ai làm quan “đại thần” hay là người nổi tiếng, nhưng mọi người đều trưởng thành và đứng vững vàng trong xã hội. Chính cái không đặc biệt ấy lại là “cái đặc biệt” khiến ta trân quý con người xứ Nghệ. Tường lớn lên trong một vùng quê ngọt ngào Ví, Dặm, một người mẹ thuộc lòng Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm…; một người cha thích thơ ca, say sưa với Tam Quốc, Tây du ký,… thì cái chất ham học, ham văn chương có từ ngày bé tý là tất yếu. Trường xa nhà tám cây số, nhưng nghĩ nhà mình nghèo, Tường không đòi cha mẹ mua xe đạp mà chịu khó cuốc bộ mười sáu cây số mỗi ngày. Lên cấp ba, ở vùng thôn dã mà đã đặt mua báo Văn nghệ qua bưu điện, mới thấy “cái máu văn chương viết lách” đã có trong anh từ thuở bé, và như sự sắp đặt của số phận, nó theo anh đến hết cuộc đời…
Thường thì đời chọn nghề cho mình, phải đâu ai cũng theo được nghề mình chọn. Tường có người cậu ruột là Giáo sư khảo cổ học nổi tiếng Hà Văn Tấn. Lần đầu gặp ông, được ông động viên, Tường đã thích nghề khảo cổ, rồi vào Đại học Tổng hợp, Khoa Lịch sử, chuyên ngành Khảo cổ. Tốt nghiệp đại học loại Giỏi, được phân về công tác tại Ban Đông Nam Á, Ủy ban Khoa học Xã hội. Nhưng chưa đầy một năm, anh đã nhập ngũ. Đó là ngã rẽ cuộc đời, và trên con đường mới ấy, anh đã bén với nghề biên tập và viết. Nghề viết của Tường xét về mặt lao động, cũng là sáng tác, vì cần trí tuệ, kỹ năng viết văn. Những tác phẩm của anh là sự hòa quyện không thể tách rời giữa văn và sử vì nó tái hiện lịch sử, thể hiện những cuộc đời sống và chiến đấu hào hùng của các tướng lĩnh, của những nhân vật nhiều người biết tiếng. Nhiều năm làm biên tập ở Nhà xuất bản QĐND, đã qua tay anh biết bao tác phẩm. Rất nhiều trong đó là những cuốn sách “gai góc”, mà phải là người có trình độ hiểu biết thời cuộc, biết phân tích sâu sắc mới có thể làm “bà đỡ” cho chúng chào đời. Vậy nên nghề viết của Tường vẫn gắn với nghề Sử mà anh được đào tạo, và nói “tưởng tượng” hơn một chút, nó vẫn là một dạng khảo cổ, vì nó tái hiện cho đời sau hiểu những gì quý giá đã trầm tích theo dòng lịch sử.
Nửa đầu cuốn sách Tường kể về mình đã sống thế nào để đến với nghiệp viết. Nửa sau cuốn sách, anh kể đã viết như thế nào để tạo nên ý nghĩa cuộc sống của mình, và sống như thế nào để xứng đáng là một người viết ngay thẳng. Từ những cuốn sách biên tập và sách viết được bạn đọc trân trọng, được nhận giải thưởng, Tường đã luận về nghề nghiệp như sau: “Nghề nghiệp cũng như con cái của mình, cứ sống hết mình với nghề, trách nhiệm hết mình với con cái, thì chẳng có nghề nào, chẳng có đứa con nào phụ bạc với mình cả”.
Liên quan đến viết lách, công việc của Tường có bốn mảng chính: Biên tập sách, viết lịch sử, giúp các tướng lĩnh thể hiện cuộc đời chinh chiến qua những trang hồi ký, và cuối cùng là làm báo. Cả bốn việc ấy đều cần trí tuệ và bản lĩnh vì trực tiếp liên quan đến chính trị và những quan hệ xã hội vốn rất nhạy cảm của thời nay. Nếu các nhà văn, hay những người sáng tác phải tự chịu trách nhiệm mọi mặt về tác phẩm của mình, thì nghiệp Viết của Tường lại cần sự dung hòa giữa trách nhiệm của mình, tâm lý người viết (hoặc người mình giúp đỡ thể hiện), lăng kính của các cơ quan quản lý liên quan đến nội dung. Thật là khó vì tác giả những cuốn sách qua Nhà xuất bản QĐND, hoặc các tướng lĩnh muốn viết hồi ký đều là những người có vị thế trong xã hội hoặc trong lĩnh vực chuyên môn nào đó. Nếu quan điểm của họ khác mình, mà cứ chiều theo ý họ, thì khi xảy chuyện, chẳng khác gì phải thay họ chịu trách nhiệm, nghĩa là tự mình gánh lấy sự “oan gia”.
Còn nhớ khi tìm nhà xuất bản để ra cuốn tiểu thuyết đầu tay “Dòng sông mang lửa” của mình, tôi nói với Duy Tường, lúc đó anh đang là Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản QĐND: “Trong cuốn tiểu thuyết này có một số chi tiết được coi là nhạy cảm, khi biên tập, nếu các anh cắt bỏ thì tôi không chịu, còn nếu các anh không cắt bỏ thì cuốn sách khó mà ra đời được”. Tường không phật ý, mà trả lời: “Cảm ơn anh đã cảm thông với chúng em”. Cuốn tiểu thuyết của tôi được xuất bản bởi Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Nó không có gì phạm húy, nhưng cũng có vài vấp váp khi đưa sách đến các đơn vị Quân đội. Từ việc ấy, tôi càng cảm thông với sự viết của Duy Tường, nhất là nỗi nuối tiếc của anh khi một số cuốn sách giá trị như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, hoặc “Đường về” của Nguyễn Cao Kỳ không thể qua được cửa Nhà xuất bản QĐND.
Điều làm tôi nể trọng là bản lĩnh và tầm hiểu biết của Tường khi biên tập, viết sử hoặc giúp các tướng lĩnh viết hồi ký. Vốn là người được đào tạo cơ bản về lịch sử, lại có năng lực văn chương, Tường đã rất vững vàng về phương pháp luận và kỹ thuật viết lịch sử. Có lần vì thẳng thắn tranh luận và bảo vệ thành công quan điểm của mình trước một số “sử sỹ” có chức có quyền, mà anh được đồng nghiệp đánh giá là dám “lấy gậy chọc trời”. Chính vì có kỹ năng vững vàng về viết sử nên Tường được mời tham gia hoặc chủ trì viết hàng chục cuốn lịch sử của đơn vị trong Quân đội. Đặc biệt, việc tham gia viết “Lịch sử Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh” đã tạo cho anh tiếng tăm và niềm tin để các tướng lĩnh gửi gắm thể hiện hồi ký của mình. Còn giúp các tướng lĩnh viết hồi ký thì cái sự khó nhọc không chỉ là tra cứu, kiểm chứng các tư liệu (vì các cụ đều tuổi đã cao, nhớ nhớ quên quên là chuyện thường tình), mà đôi khi vì những lý do “chẳng đâu vào đâu”, còn phải chịu đựng cả sự hiểu lầm của người nhà gia đình họ như việc giúp tướng Bình Sơn - một người gắn bó máu thịt với chiến trường Lào, ra cuốn hồi ký “Những ngày ở Cánh Đồng Chum”, hoặc khi viết hồi ký cho tướng Đồng Sĩ Nguyên.
Cái nghiệp biên tập, viết sử hay giúp thể hiện viết hồi ký cần sự hiểu biết sâu sắc và bản lĩnh. Việc tiếp cận sự thật lịch sử vốn rất phức tạp. Khi sang Mỹ giao lưu về công tác xuất bản sách, Tường đã dẫn lời Đại tướng Hoàng Văn Thái, người từng phụ trách công tác viết sử quân đội: Lịch sử - nói đúng hơn là sự thật lịch sử chỉ diễn ra một lần, nhưng viết lịch sử tiếp cận được sự thật đó, phải viết nhiều lần.
Nguyên nhân của cái sự phải viết nhiều lần đó, trước hết là theo thời gian, các tư liệu dần sáng tỏ, nhưng cũng còn một nguyên nhân nữa là trong hoàn cảnh phức tạp hiện nay, khi mà các thế lực thù địch luôn rình rập chống phá, xuyên tạc, thì sự thật nào được nói, sự kiện nào tưởng chừng như thật nhưng vẫn phải kiểm chứng, thậm chí sự kiện nào chưa được nói, luôn là bài toán đau đầu của những người viết sử hoặc tái hiện lịch sử. Đôi khi tôi cứ nghĩ: Những người làm nghề có lương tâm luôn phải trong tâm thế của một võ sĩ đang đi quyền bên bờ vực. Tài năng và bản lĩnh giúp họ tiếp cận sự thật hợp lý nhất không hổ thẹn, nhưng vẫn giữ an toàn cho ngòi bút của mình. Duy Tường đã làm được điều đó.
Cuốn tự truyện của Nguyễn Duy Tường ngồn ngộn hình ảnh một thời của quê hương, khiến người đọc, nhất là những người con xứ Nghệ đọc thấy rưng rưng. Ở một khía cạnh khác, đây là chuyện đời của một “sử sĩ”, lại cho ta nhiều điều suy ngẫm.
Xin cảm ơn tác giả.
Tháng 5-2023
Thiếu tướng, Nhà văn Hồ Sỹ Hậu