T.P Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất nước; là đô thị hạt nhân của cả vùng.
Sau 49 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới, T.P Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Tình hình chính trị-xã hội được giữ vững; kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng; các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển vượt bậc.
Việt Nam đang là điểm đến được lựa chọn của nhiều nhà đầu tư trên thế giới và T.P Hồ Chí Minh cũng là địa phương mà nhiều nhà đầu tư tìm đến với mong muốn đầu tư kinh doanh nhiều nhất tại Việt Nam. Bởi T.P Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế và là cửa ngõ giao thương quan trọng với các nước trong khu vực và thế giới.
Về vị trí địa lý, T.P Hồ Chí Minh là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam; nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 2.095km2, chiếm 0,63% diện tích cả nước và dân số khoảng 10 triệu người, chiếm hơn 9,44% dân số Việt Nam. Đồng thời, đầu mối giao thông quan trọng kết nối với các tỉnh trong vùng và trở thành một cửa ngõ quốc tế quan trọng với tuyến đường Xuyên Á từ T.P Hồ Chí Minh đến thủ đô Phnom Penh, Campuchia chỉ mất 1,5 giờ đi ô tô.
T.P Hồ Chí Minh có bờ biển dài 23km tại huyện Cần Giờ, cách Trung tâm Thành phố khoảng 50km, có tiềm năng phát triển kinh tế biển, thích hợp phát triển các ngành, lĩnh vực như đô thị biển, cảng biển, du lịch biển, năng lượng tái tạo.
Hiện, Thành phố có hơn 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có gần 15.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến hết tháng 10-2023, trên địa bàn Thành phố có 12.218 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp đạt hơn 82,19 tỷ USD.
T.P Hồ Chí Minh có hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng, giúp thành phố trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa ra các khu vực trong và ngoài nước. Thành phố có cả 4 phương tiện: Đường bộ: Có tuyến đường xuyên Á và các tuyến quốc lộ, cao tốc kết nối với các tỉnh, thành phía Nam, Tây Nguyên của Việt Nam. Đặc biệt tuyến đường Vành đai 3 T.P Hồ Chí Minh đang được triển khai đầu tư và dự kiến hoàn thành tháng 6-2026. Đường hàng không: có Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lớn nhất Việt Nam với trung bình từ 750 đến 800 chuyến bay đến và đi mỗi ngày từ các hãng hàng không của nhiều quốc gia; mỗi năm phục vụ gần 40 triệu lượt khách và hơn 500.000 tấn hàng hóa.
Đường thủy: T.P Hồ Chí Minh sở hữu nhiều Cảng quốc tế và nội địa. Hiện nay Cảng Cát Lái của Thành phố là cảng lớn nhất cả nước với công suất 6,4 triệu TEUs/năm. Sản lượng hàng hoá qua cảng này chiếm khoảng 85% sản lượng hàng hóa qua các cảng phía Nam và 50% sản lượng hàng hóa qua các cảng cả nước. Đường sắt: Thành phố là đầu mối giao thông quan trọng ở miền Nam trong mạng lưới đường sắt Bắc – Nam với Ga Sài Gòn chính là điểm tập kết của hành khách và hàng hóa từ miền Nam xuất phát đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc và ngược lại. Về đường sắt đô thị, Thành phố đã quy hoạch 8 tuyến và đang xây dựng tuyến Metro số 1 (từ Bến Thành – Suối Tiên) sẽ vận hành trong năm 2024.
Bên cạnh đó, về hạ tầng công nghiệp, Thành phố hiện có 14 khu công nghiệp và 3 khu chế xuất đang hoạt động với tổng diện tích gần 4.130ha. Thành phố cũng sở hữu Khu Công nghệ cao thành công nhất Việt Nam với quy mô 913ha, đã thu hút nguồn vốn FDI khoảng 12 tỷ USD với nhiều doanh nghiệp uy tín toàn cầu như Intel, Samsung, Nidec... Thành phố sẽ tiếp tục phát triển các khu công nghiệp, theo quy hoạch sẽ có 23 khu công nghiệp – khu chế xuất với tổng diện tích khoảng 6.000ha và 3 địa điểm thu hút đầu tư là: Khu công nghiệp Phạm Văn Hai (có diện tích 678ha), Khu công nghiệp Hiệp Phước (hơn 1.100ha), Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng (120ha).
Đặc biệt, về hạ tầng thương mại, T.P Hồ Chí Minh hiện có hạ tầng thương mại hiện đại và phát triển rộng khắp các địa bàn quận – huyện với 238 chợ, 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại và 2.656 cửa hàng tiện ích. Thành phố có thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn với số dân hơn 10 triệu người, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 hơn 6.700 USD/năm, cao gấp gần 1,6 lần so với thu nhập bình quân cả nước nước; mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu nhập bình quân đầu người tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt 14.500 USD/năm.
Thành phố có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao. Hiện nay, hơn 50% dân số của Việt Nam trong tuổi lao động. T.P Hồ Chí Minh là nơi tập trung nguồn nhân lực có chuyên môn, chất lượng cao với gần 5 triệu lao động được đào tạo, đây là nguồn nhân lực đủ lớn để hỗ trợ Thành phố trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ của Việt Nam. T.P Hồ Chí Minh có trên 314 tổ chức khoa học và công nghệ; 109 trường Đại học, Cao đẳng; 279 phòng thí nghiệm; gần 20.000 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ đã hình thành trên 135 nhóm nghiên cứu năng động, tham gia hợp tác quốc tế.
Đáng chú ý, T.P Hồ Chí Minh là nơi hội tụ tinh hoa từ nhiều nền văn hóa khác nhau, không ngừng đổi mới và hội nhập vào dòng chảy văn hóa thế giới đã tạo nên bản sắc riêng của Thành phố. Đây là nơi có chất lượng cuộc sống tốt, với khoảng hơn 200.000 người nước ngoài đến từ các châu lục hiện đang sinh sống và làm việc tại Thành phố.
Năm 2024, Thành phố thực hiện chủ đề “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - Phan Văn Mãi kêu gọi các cấp, các ngành, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tích cực triển khai phong trào thi đua yêu nước sáng tạo. Trong đó, quyết tâm thực hiện thắng lợi chín nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 18 chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2024; phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,5 đến 8%; hoàn thành 100% chỉ tiêu thu ngân sách; tập trung phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Võ Hóa