Alen Dulles.- Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đồng tác giả của Kế hoạch OP-32
(Báo tháng 6) - Ngày 16-12-1959, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) thông qua Chỉ thị số 5809 về việc đối phó với “tình hình khẩn cấp” ở khu vực châu Á, kêu gọi tăng cường nỗ lực hỗ trợ cho chính quyền Sài Gòn, đồng thời ngăn chặn miền Bắc chi viện cho miền Nam.
Trên cơ sở Chỉ thị 5809, CIA phối hợp với BTL Mỹ tại Thái Bình Dương đã soạn thảo Kế hoạch OP-32 mà nội dung chủ yếu là tiến hành cuộc chiến gián điệp, biệt kích chống miền Bắc nước ta.
Theo đó, các toán gián điệp “đánh” ra miền Bắc có nhiệm vụ thu thập tình báo, phá hoại, quấy rối, tiến hành chiến tranh tâm lí và thiết lập căn cứ cho “các hoạt động kháng chiến” của lực lượng nằm vùng do CIA cài lại. “Nguồn lực” quan trọng nhất là hàng chục vạn người “tị nạn” từ miền Bắc, trong đó có thể lựa chọn hàng nghìn “tình nguyện viên” để huấn luyện các hoạt động đặc biệt. Phần lớn ứng viên là đảng viên đảng Đại Việt, một số thuộc Việt Nam Quốc dân đảng, chủ yếu là người dân tộc thiểu số.
Thực hiện Kế hoạch, chỉ trong các năm 1961-1967, CIA đã tung ra miền Bắc 52 toán gián điệp gồm 240 tên, bằng cả đường bộ, đường biển và đường không. Tuy nhiên, theo tiết lộ từ tài liệu được giải mã sau chiến tranh, thì trong số 240 điệp viên “dài hạn” tung vào miền Bắc, có 8 tên chết khi nhảy dù, 33 tên bị tiêu diệt, 33 tên chết vì bệnh tật, 146 tên bị bắt hoặc mất tích, 17 tên phải tháo lui. Rất nhiều tên bị bắt ngay sau khi xuống đất mà chưa kịp có bất kì hành động nào. Một số tên trở thành điệp viên hai mang.
Bất chấp những nỗ lực “tẩy não” trong trại huấn luyện, đại đa số điệp viên bị bắt đều khai báo. Còn theo thừa nhận của chính William Colby (năm 1962 là Phân cục trưởng CIA tại Sài Gòn, trong các năm 1973-1976 là Giám đốc CIA) thì Kế hoạch OP-32 đã thất bại thảm hại.
W. Colby đổ lỗi cho thất bại là do CIA không phải là người tuyển mộ và kiểm tra các điệp viên tham gia các toán xâm nhập, mà là do các đồng nghiệp Việt Nam cộng hoà phụ trách.
Thứ hai, các toán gián điệp được cài cắm nằm rải rác trên khắp miền Bắc và không ai chú ý tập trung vào một địa điểm nhất định rồi mới tản ra. Kiểu cài cắm này (được Colby đặt tên là “thả tù mù” (blind drop) làm các điệp viên không có manh mối để hoạt động, không có ai để bắt liên lạc và để bắt đầu một “phong trào kháng chiến”.
Thứ ba, các toán gián điệp hoạt động phụ thuộc vào tiếp tế đường không, mà CIA thì có rất ít máy bay. Đó là chưa nói các gián điệp không được trợ giúp nhiều về mặt giấy tờ giả để hoạt động trong khi hoạt động ở một xứ sở “được kiểm soát rất tốt về an ninh”.
Trong khi đó, William Hassard - người phó của Colby tại Sài Gòn nêu lên một trong nhưng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đổ vỡ của OP-32, là “tài nghệ của Hà Nội trong tiến hành cuộc chiến phản tình báo. Họ tỏ ra rất giỏi trong việc nhận dạng, truy tìm, phát hiện, bắt giữ, vô hiệu hóa”. Ngoài ra, cả Colby và Hassard đều thừa nhận một thực tế quyết định số phận các toán điệp viên được “đánh” ra miền Bắc cũng như số phận của Kế hoạch OP-32 nói chúng, là tinh thần cảnh giác của người dân và trình độ nghiệp vụ của lực lượng an ninh chúng ta. “Họ đã nắm được nội dung OP-32 ngay từ khi kế hoạch phôi thai”.
Không lạ khi nhiều tên gián điệp tiếp đất trong một cái lưới đã bủa sẵn. Trong khi người dân thực hiện “ba không”, còn chính quyền thì tăng cường kiểm soát các tuyến biên giới trên bộ, trên biển, các tuyến đường quan trọng. Lực lượng biên phòng theo dõi mọi hoạt động khả nghi dọc biên giới, họ được trang bị các thiết bị vô tuyến điện hiện đại để đảm bảo tính thời gian. Các bức điện được ngụy trang nhằm ngăn cản khả năng nghe trộm cũng như khả năng giải mã của tình báo Mỹ và nguỵ Sài Gòn. Hệ thống mật mã T-90 được đưa vào sử dụng thay cho hệ thống mật mã cũ DB-2, có độ an toàn gấp đôi so với DB-2, được xem là một chìa khoá khiến ta đối phó thành công với các toán điệp viên của CIA.
OP-32 chỉ là một trong nhiều kế hoạch tình báo mà CIA cùng chính quyền nguỵ Sài Gòn tiến hành trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả các kế hoạch đó đều bị thất bại thảm hại, hệt như kết cục chung của cả cuộc chiến tội lỗi ấy.
Đăng Quang