Tháng 5-1951, T.Ư Đảng, Tổng Quân ủy - Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở chiến dịch Quang Trung (Hà - Nam - Ninh); sử dụng ba Đại đoàn (304, 308 và 320) cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích tiến công tuyến phòng ngự phía nam đồng bằng Bắc Bộ, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá âm mưu bình định đồng bằng của chúng.
Đại đội pháo 94 thuộc Tiểu đoàn 375 của chúng tôi được tham gia chiến dịch trong đội hình Trung đoàn Quang Trung (Trung đoàn 9) Đại đoàn 304. Trung đội SKZ do tôi làm Trung đội trưởng có nhiệm vụ đưa hai khẩu SKZ áp sát đồn địch, diệt lô cốt, mở màn cho bộ binh diệt đồn. SKZ là ba chữ đầu của tên gọi “Súng không giật”, do Quân giới Việt Nam vừa chế tạo, lần đầu tiên trang bị cho bộ đội đánh đồn địch. Vì vậy, anh em chúng tôi thầm nhắc nhau phải vận dụng những kiến thức được đào tạo ở Trường Quân chính Liên khu 4 và Trường Pháo binh Liên khu 3-4, để phát huy hiệu quả vũ khí mới.
Đêm 21-5-1951, cả đơn vị nhận lệnh hành quân đi chiến dịch, từ vị trí đứng chân bắc Thanh Hóa ra Ninh Bình. Chặng đầu hành quân, dọc đường gặp dân công hỏa tuyến, nhất là nữ, hai bên hò hát đối đáp, vui như trẩy hội. Nhưng ra tới quốc lộ 1 thì “người ngậm tăm, ngựa khóa miệng” để giữ bí mật cho đến vị trí tập kết ở Trại Vải - Quảng Nạp (Ninh Bình).
Bước vào chuẩn bị chiến đấu, một bộ phận đi trinh sát nghiên cứu đường tiếp cận đồn địch và quy luật hoạt động của chúng; bộ phận ở nhà lau chùi súng đạn, gói bộc phá…theo chỉ dẫn của cấp trên và cố vấn. Lúc bấy giờ, cấp đại đoàn có một vài cố vấn Trung Quốc, các vị này đã đến Trại Vải bằng ngựa. Cách đánh của bạn phổ biến cho chúng tôi khi đó chủ yếu là chiến thuật “Đầu nhọn, đuôi dài”, “Nhất điểm lưỡng diện”, “Tứ tổ nhất đội”… Chúng tôi được quán triệt tích cực học tập bạn, nhưng trong chiến đấu phải linh động sáng tạo “Tùy cơ ứng biến”.
Đêm 28-5, Tiểu đoàn 375 do đồng chí Ngô Thượng Sách - Tiểu đoàn trưởng chỉ huy, bước vào chiến đấu. Tôi dẫn đầu Trung đội đem theo 2 khẩu SKZ vừa mới được trang bị, luồn lách, bò trườn… áp sát đồn Cổ Đôi, trên trục đường 59. Tôi phân công mỗi khẩu SKZ đảm nhiệm bắn hạ một lô cốt địch. Để hạ được mục tiêu, chúng tôi bí mật đưa SKZ áp sát lô cốt địch tầm 9m. Với cự ly này, chúng tôi quyết tâm “bách phát bách trúng”; không thể lô cốt, boongke nào thoát được. Khi súng và người đã vào vị trí sẵn sàng nổ súng, một số chiến sĩ vì hành quân dầm mưa Tiểu mãn, bị cảm lạnh, ho khúng khoắng. Tôi cho anh em ngậm mấy miếng gừng chuẩn bị sẵn, ấm cổ, đỡ ho. Từ vị trí ẩn nấp dưới bờ ruộng nhìn lên, tôi thấy lô cốt địch hiện rõ mồn một; các động thái của địch trong đồn cũng dễ phát hiện; rồi thầm nghĩ, thế là ta đã thắt dần cái thòng lọng vào cổ địch.
Giờ “G” đã đến! Tôi vinh dự được ra lệnh cho hai khẩu SKZ bắn đồng loạt vào hai lô cốt đầu cầu. Cùng lúc, pháo 75 của Tiểu đoàn cũng phát hỏa, mở màn chiến dịch Quang Trung. Chỉ thoáng chốc, sự hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ binh, pháo binh đã báo hiệu kết liễu số phận đồn Cổ Đôi. Phối hợp với Trung đoàn 9, Trung đoàn 57 đánh đồn Yên Mô Thượng; Trung đoàn 66 tiêu diệt đồn Chùa Dầu, Yên Vệ… Một góc trời Ninh Bình rực lửa, vang rền đạn pháo, đạn súng bộ binh…
Ở đồn Cổ Đôi, sau hai phát khai hỏa, hai khẩu SKZ của Trung đội tôi tiếp tục diệt các ụ súng, ổ đề kháng của địch; bộ binh ta xung phong tiêu diệt địch trong đồn, bắt tù binh, thu vũ khí, thu dọn chiến trường. Tiểu đoàn 375 hạ đồn Cổ Đôi trong vòng 30 phút.
Trận mở màn chiến dịch, Đại đoàn 304 hạ 4 đồn, diệt và bắt hơn 300 tên địch, thu nhiều vũ khí trang bị. Cùng đêm đó, Đại đoàn 308 và Đại đoàn 320 đều đánh thắng trên các hướng khác, diệt nhiều đồn bốt địch. Cả một hệ thống phòng thủ nam đồng bằng Bắc Bộ của chúng lung lay. Báo chí Pháp ngay sau đó đau đớn thừa nhận “…Một đêm bí đát nhất ở Đông Dương!”.
Mặc dù đêm 28-5 đánh đồn Cổ Đôi vừa căng thẳng lại thức trắng, khá mệt mỏi, nhưng bù lại là không khí thắng trận đã giúp chúng tôi vui vẻ nhận nhiệm vụ đánh đồn Bụt Nổi một ngày sau đó (đêm 29-5).
Có kinh nghiệm đánh đồn Cổ Đôi còn nóng hổi; khi đánh đồn Bụt Nổi, chúng tôi cố gắng đưa SKZ vào sát lô cốt địch hơn, chỉ cách 7m. Với cự ly đó, chỉ cần ba phát đạn, chúng tôi đã hạ ba lô cốt của địch. Tuy vậy, đồn Bụt Nổi có hệ thống công sự khá kiên cố, địch dựa vào đó để cố thủ và có phi pháo yểm hộ, nên trận đánh phải kéo dài; ta phải vây đồn, đánh cả ban ngày. Cuối cùng địch phải gọi phi pháo hỗ trợ để mở “đường máu” tháo chạy.
Để hỗ trợ cho bộ binh rút, máy bay địch ném cả bom cháy (bom xăng) xuống những vị trí quân ta tập kết. Nhiều cán bộ, chiến sĩ và người dân bị bỏng bởi bom cháy; trong đó có Nguyễn Hữu Trí - bạn thân của tôi. Về sau, vết thương lành, nhưng khuôn mặt vốn rất đẹp trai của Trí bị biến dạng, nhăn dúm và loang lổ như người bạch tạng. Nhưng cảm phục gương chiến đấu dũng cảm của Trí, một thôn nữ xinh xắn cũng dũng cảm, nhân hậu, giàu đức hy sinh, đã cùng anh xây tổ ấm hạnh phúc.
Đại tá Huỳnh Thúc Cẩn kể Duy Nguyễn ghi