Chính chị cũng cất tiếng khóc chào đời tại đất nước Chùa Tháp vào năm 1956. Đầu những năm 70, chị theo các anh “Bộ đội Cụ Hồ” làm hộ lý thuộc đại đội 23, trung đoàn 4, sư đoàn 1. Sau mấy năm liền tham gia phục vụ thương binh ở các trạm xá dã chiến, Hiền được đơn vị cử đi học lớp y tá. Học xong chị được cử về công tác tại sư đoàn 5. Suốt những năm từ 1973 đến 1975, chị đã vững bước cùng cán bộ, chiến sỹ sư đoàn 5 Anh hùng, chiến đấu hàng trăm trận trên khắp chiến trường miền Đông Nam Bộ và chiến trường Cam-pu-chia.

Đó là chuyện ngày xưa…

Còn hôm nay chị đã chuyển ngành sang Sở giao thông TP Hồ Chí Minh từ năm 1977. Năm 1994, chị cùng chồng là anh Bùi Thế Hùng (cũng là CCB) thành lập Công ty TNHH Khải Hoàn chuyên sản xuất giày da xuất khẩu ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Trong sản xuất, chị luôn lấy phương châm: “Mẫu mã và chất lượng sản phẩm là ưu tiên hàng đầu”, nên chẳng bao lâu, mặt hàng giày của Công ty đã có nhiều khách hàng từ các nhiều nước trên thế giới biết đến. Tiếp theo, các phân xưởng từ 2 đến 9 lần lượt ra đời, năm 2006, Công ty TNHH Khải Hoàn đã được chuyển đổi thành Công ty Cổ phần sản xuất giày Khải Hoàn, với hơn 8.000 lao động, mỗi ngày sản xuất hàng chục nghìn đôi giày xuất đi nhiều nước trên thế giới. Năm 2007, do có cơ hội làm ăn, chị lại thành lập Công ty Cổ phần Khải Hoàn mới (chuyên sản xuất găng tay y tế), do chính con trai chị là Bùi Thế Nam làm Tổng giám đốc. Ngoài 2 Công ty Cổ phần chuyên sản xuất giày và găng tay y tế, vợ chồng chị Hiền còn mua 2 con tàu có trọng tải hàng chục nghìn tấn để chở dầu đi khắp thế giới.

Bí quyết nào giúp chị Hiền và anh Hùng thu hút được nhiều CBCNV như thế ? – Tôi hỏi anh Hoàng Huy Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP. Giày Khải Hoàn, anh kể: “Sở dĩ chị Hiền, anh Hùng tuyển dụng và lưu giữ được nhiều CBCNV như ngày nay là do hai anh chị tôn trọng mọi người, ăn ở trước sau như một, cư xử có tình có lý. Anh chị không những lo thu nhập ổn định cho công nhân mà còn lo cả bữa ăn trưa cho toàn thể CBCNV và lo chỗ ở cho hàng ngàn người nữa”.

Giờ đây, sau nhiều năm đào tạo, chị Hiền đã tìm được người thay thế mình làm Phó Tổng giám đốc công ty. Chị đã có nhiều thời gian hơn để tìm về với các đồng đội cũ của mình. Có những bà mẹ ở Tây Ninh, ngày trước chăm sóc chị, nay chị cũng đến tận vùng biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia tìm để đền ơn, đáp nghĩa. Mỗi lần có dịp dự họp mặt ngày Truyền thống sư đoàn, mọi người thường nghe chị Hiền nói: “Người hy sinh đã hy sinh rồi, người còn sống phải yêu thương đùm bọc lẫn nhau, có vậy mới xứng đáng với người đã khuất” và chị Hiền mấy chục năm nay vẫn làm như lời chị nói. Qua nghe “điểm danh” những đồng đội còn gặp khó khăn, chị lặng lẽ gửi tiền cho người này sửa nhà, người kia mua thuốc chữa bệnh, người khác thêm tiền mua quần áo, đóng học cho con. Nhiều khi ngay sau buổi họp mặt, chị đã tuyển con em họ vào Công ty làm việc. Gần đây, nghe tin Báo CCB Việt Nam tổ chức đêm ca nhạc để vận động lập Qũy “Nghĩa tình đồng đội” chị đã là người đầu tiên đóng góp cho quỹ 100 triệu đồng. Tôi có nghe các anh Long, Hiển… (CCB của sư đoàn 5) rỉ tai nhau: “Sự đóng góp của chị Hiền vào Quỹ “Nghĩa tình đồng đội”của đơn vị qua mấy chục năm nay đã lên tới tiền tỷ”. Có điều là tất cả những việc làm tình nghĩa của chị Hiền dù lớn hay nhỏ thì anh Hùng chồng chị cũng nhiệt tình ủng hộ. Nhiều khi anh còn nói với chị: “ Em cứ dành thời gian lo cho đồng đội cũ và bà con nghèo đi, việc công ty đã có anh và các con cùng hàng ngàn CBCNV nữa””

Trung Sơn