Song dù có thế nào thì trong họ huyết quản vẫn sục sôi, khao khát tiếp tục được sống và cống hiến, như một thời chẳng ngại vào sinh ra tử. Sâu thẳm hơn có lẽ cũng vì để hoàn thành tâm niệm: Sống trọn nghĩa vẹn tình với đồng đội đã hi sinh. CCB Trần Xuân Nạp, thôn Ngô Đông, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo, T.P Hải Phòng là một người như thế.
"Xuân Nạp" tên ông không xa lạ đối với nhiều khán giả truyền hình Hải Phòng. Nhắc đến ông là nhắc đến một cộng tác viên tích cực, lâu năm của các báo, đài Hải Phòng; là nhắc đến những bài báo thấm đậm thực tế cuộc sống; những bài báo phê phán những thói hư tật xấu; những bài báo biểu dương người tốt, việc tốt.
Cận kề tuổi “thấp thập cổ lai hi”, lại là thương binh nặng, lẽ ra ông cần được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Nhưng không, dường như đối với ông không thể không làm việc. Đúng là không gì có thể khiến ông chùn bước. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày thường hay cuối tuần, Xuân Nạp vẫn làm việc với niềm say mê của một cộng tác viên.

  • Động lực nào thôi thúc ông? - Tôi hỏi.
    Xuân Nạp bộc bạch chân thành:
  • Tình yêu nghề và mong muốn được cống hiến.
    Con đường dẫn Xuân Nạp đến với nghề làm báo thật nhiều cơ duyên, nhưng cũng lắm truân chuyên. Những ngày trong quân ngũ, sẵn có năng khiếu ký họa, làm thơ, ông "liều" gửi ảnh, gửi thơ từ trong chiến trường ra Báo Hải Phòng, Báo QĐND, Báo Phòng không - Không quân... Thật bất ngờ nhiều báo, đài đăng thơ, đăng ảnh của ông.
    Ông trở nên "nổi tiếng" trong thôn, trong họ, rồi lan ra xã, ra huyện... Ai cũng bảo ông là nhà báo. Có biết đâu lúc đó ông đang là chiến sĩ trinh sát của Đại đội 10, Trung đoàn 256, Sư đoàn Phòng không 377, chiến đấu với máy bay giặc ở "chảo lửa" Truông Bồn, Nghệ An năm 1968. Nhưng chính những bài thơ, bức ảnh lần đầu tiên được đăng trên báo ấy đã khơi nguồn cảm hứng, gieo vào ông niềm đam mê viết báo.
    Rời quân ngũ trở về quê hương với gánh nặng đời thường, phát huy sở trường ký họa, Xuân Nạp nhận mở cửa hàng vẽ ảnh truyền thần, nhưng lòng thì vẫn canh cánh đam mê nghề làm báo.
    Mốc thời gian quan trọng và khó quên là mùa hè năm 1996, khi Vĩnh Bảo liên tiếp hứng chịu hai cơn bão lớn gây thiệt hại tới nhà cửa, hoa màu. Được sự động viên của Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi huyện khi đó, Xuân Nạp lần đầu tiên cầm máy quay xông xáo vào bão gió tác nghiệp. Rồi ông tự liên hệ gửi băng hình về đài Phát thanh, Truyền hinh Hải Phòng. Ngay tối hôm đó Đài sử dụng "tin nóng" của ông. Ban Giám đốc Đài đánh giá cao và nhiều bạn xem truyền hình ghi nhận "tài năng" của Xuân Nạp.
    Niềm vui khôn tả khiến ông càng yêu, càng muốn gắn bó lâu dài với công việc mà theo như ông tâm sự là “Càng làm càng hăng say”.
    Chính vì vậy mà không ngại đường xa, không ngại mưa nắng, Xuân Nạp như con thoi không biết mệt mỏi đi khắp các làng từ huyện này sang huyện khác để "săn tin". Có lần để làm được một bản tin nông nghiệp ưng ý, Xuân Nạp đã không ngần ngại lội xuống ruộng nhiều lần để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất.
    Đã có lần ông bị tai nạn trên đường đi dựng tin, phải điều trị hằng tháng trời, nhưng khi ra viện là ông vác máy đi quay và làm tin ngay.
    Tận mắt chứng kiến Xuân Nạp tác nghiệp mới thấy hết được tình yêu nghề của ông. Lúc nào trên người ông cũng lỉnh kỉnh những đồ nghề, như máy quay phim, máy ảnh, sổ, bút... Vừa thao tác với máy quay, vừa phỏng vấn nhân chứng, ghi chép, chụp ảnh... Về nhà viết tin rồi trực tiếp đi dựng tin. Một mình ông đảm nhận công việc của cả một ê kíp tương đương với 3-4 người.
    Vừa học, vừa làm, lại được sự chỉ dẫn, động viên khuyến khích của những người có chuyên môn, tay nghề của ông ngày càng vững. Thời điểm huy hoàng nhất của Xuân Nạp là có tháng ông phát sóng tới 37 tin, bài. 15 năm làm cộng tác viên cho Đài Phát thanh Truyền hình Hải Phòng, thì 10 năm ông được công nhận là cộng tác viên xuất sắc
    CCB Xuân Nạp cho rằng làm báo là để biểu dương, nhân lên cái hay, cái tốt và phê phán cái xấu, cái tiêu cực. Chính công việc làm báo cho ông quên đi mệt nhọc, quên đi trở ngại của tuổi tác, bỏ qua những thị phi để sống vui, sống khỏe.
    Bài và ảnh: Minh Ngọc