CCB Tạ Thị Thái (ngoài, bên trái) tặng 15 xuất quà cho 15 thương binh nặng nhân dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7-2023.

Chị không thể nhớ hết diện tích đất đã hiến cho địa phương để mở đường giao thông nông thôn. Chỉ tính hơn 10 năm trở lại đây, chị Tạ Thị Thái (sinh năm 1955), Chi hội trưởng Chi hội CCB xóm Bạch Thạch, xã Tân Kim (Phú Bình, Thái Nguyên) đã hiến hơn 1.000m2 đất.

Hằng ngày, nhìn bà con nhân dân đi lại, lưu thông hàng hóa, các cháu học sinh tới trường trên tuyến đường trước cửa nhà, chị Thái cảm thấy mãn nguyện, trong lòng rộn ràng niềm vui đã đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho quê hương, cho cộng đồng.

Được hỏi về việc làm của mình, chị Thái tâm sự: “Hơn 20 năm tham gia công tác Hội, 17 năm làm Chi hội phó, năm nay là năm thứ hai tôi đảm nhiệm vai trò Chi hội trưởng Chi hội CCB, tôi tâm niệm muốn vận động bà con làm theo thì bản thân phải gương mẫu, nói được làm được, “gỗ nặng cùng khiêng”. Tôi chia sẻ với mọi người những suy nghĩ của mình về phong trào làm đường xây dựng Nông thôn mới: Khi có đường rộng, đẹp thì kinh tế - xã hội mới phát triển, sản phẩm bà con làm ra sẽ vận chuyển, tiêu thụ dễ dàng hơn, không bị thương lái ép giá… Con cháu đi học thuận lợi sẽ có tinh thần học tập tốt hơn. Nghĩ thế, nên có mảnh đất tôi mua hàng trăm triệu đồng, vừa hoàn thiện giấy tờ sở hữu, thì có chủ trương mở đường, tôi sẵn lòng hiến cho địa phương”.

Có tuyến mở đường hai lần, thì cả hai lần chị đều tự nguyện chặt cây cối, dỡ hàng rào cũ, xây mới để địa phương nhanh chóng triển khai làm đường. Nhiều cây gỗ quý hơn 20 năm tuổi, tiếc lắm nhưng vì lợi ích chung chị sẵn sàng đốn hạ. Những việc làm của chị là “hơn nghìn lời nói tuyên truyền”, có sức lan tỏa cùng chính quyền vận động người dân hưởng ứng làm các tuyến đường giao thông nông thôn.

Nhiều người hỏi tại sao chị Thái có nhiều đất thế? Chị cởi mở cho biết: “Tích lũy được lợi nhuận từ công việc kinh doanh, tôi thường dồn để mua đất trong và ngoài xã. “Đất không đẻ ra đất” được mà”.

Trải qua buôn bán nhiều mặt hàng nông sản, rồi chuyển đổi kinh doanh xe máy Trung Quốc và đến nay cơ ngơi của chị có một cây xăng và đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi lớn trong tỉnh, mỗi tháng cung cấp cho thị trường khoảng 200 tấn cám.

Luôn tự nhận mình “không giàu, mà chỉ giàu tình cảm”, hằng năm chị thường xuyên tặng quà, giúp đỡ những hộ nghèo, cận nghèo, hội viên CCB, nạn nhân chất độc da cam, các cháu học sinh nghèo, những người không may lâm vào cảnh hoạn nạn… trên địa bàn.

Hiện nay, đại lý phân phối thức ăn gia súc của chị hỗ trợ trả chậm, không tính lãi tiền cám lên tới 15 tỷ đồng. Qua thực tế cho thấy, không phải hộ chăn nuôi nào cũng có đủ điều kiện để trả ngay tiền thức ăn cho vật nuôi. Để khuyến khích bà con chăn nuôi với quy mô lớn thì cần có nguồn hỗ trợ không nhỏ, đại lý cho đối ứng hoặc trả chậm. Có những lúc dịch bệnh, đại lý của chị sẵn sàng chia sẻ chỉ lấy giá gốc, thậm chí cho trả chậm trong nhiều năm để phục hồi đàn giống.

CCB Bùi Văn Giảng - Chủ tịch Hội CCB xã Tân Kim cho biết: “Nhiều năm nay, khi huyện Phú Bình đầu tư nâng cấp các tuyến đường, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động hội viên hiến đất để mở rộng nền đường. Chị Thái luôn tiên phong hiến đất mặt đường, chủ yếu là đất thổ cư, để xã làm đường. Không chỉ tích cực tham gia hoạt động xã hội, nhiệt tình với các phong trào ở địa phương, chị còn giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn”.

Nhắc tới chị, nhiều người cao tuổi trong xóm vẫn còn nhớ như in cái thuở hàn vi, thời mà chị phải “mặc chung quần” với chồng. Vừa tròn 20 tuổi, cô thiếu nữ quê xã Thống Nhất, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình xuất ngũ theo chồng về quê. Anh chị quen nhau tại trại điều dưỡng thương binh nặng, chị làm tài vụ còn anh là thương binh “cụt cao”, hạng 2/4. Tài sản của anh chị lúc ấy chỉ có hai chiếc ba lô và đôi nạng gỗ. Xóm Bạch Thạch quê anh là vùng miền núi hoang sơ, nghèo xơ xác. Cãi lời cha mẹ, chị theo chồng. Anh ốm đau triền miên, một mình chị cáng đáng việc nhà. Những lúc nông nhàn, chị theo bà con dân tộc trèo đèo, lội suối vào rừng kiếm củ môn, củ sắn. Nói “mặc chung quần” với chồng là chuyện thực. Vợ chồng chỉ có mấy bộ quân phục khi xuất ngũ, lao động vất vả rách dần rách mòn, thiếu thốn không có tiền mua quần áo, hai vợ chồng chị phải mặc chung một chiếc quần. Cơm không có ăn. Vợ chồng chỉ ăn sắn, nhường bát cơm nhỏ cho đứa con đầu lòng. Vợ và các con nằm giường, còn anh ngủ ở cái nong rách xin được. Chị nói vui: “Chị Dậu còn có ổ chó, chứ vợ chồng chị không có một cái gì”...

Thấy chị xanh xao, gầy gò, các bà, các chị thương hoàn cảnh của chị, người thì cho củ khoai, người thì cho quả trứng gà. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, đến giờ chị không thể nào quên những tấm lòng nhân hậu ấy. Thấu hiểu cảnh đói nghèo, khi “có của ăn của để”, có điều kiện đến đâu chị hết lòng đến đó, giúp đỡ, “nhường áo sẻ cơm” với những người hoàn cảnh khó khăn. “Giúp được mọi người, tôi vui lắm, trong lòng thanh thản. Tôi chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục giúp đỡ thêm nhiều người khó khăn” - chị Thái chia sẻ.

Ở chị luôn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết. Dù công việc kinh doanh bận bịu, hiện nay chị còn đảm đương vai trò Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB huyện Phú Bình, tham gia Thường trực Hội Doanh nhân CCB tỉnh Thái Nguyên. Dù ở cương vị nào, chị luôn hội tụ tiêu chuẩn kép “đảm việc nhà, giỏi việc Hội”.

Hồ Thanh Hương