Có những bài thơ rất ngắn, nhưng phải đọc đi đọc lại nhiều lần, càng đọc càng suy ngẫm càng thấy hay. Xin được chưa nêu tên tác giả vội.

Một trong những bài thơ đó là bài: Nhớ: Anh ở đây/ Giữa hỗn mang trời nước/ Nỗi nhớ em không một phút nào nguôi/ Anh chẳng biết để đâu, đành vùi vào lòng biển/  Nên suốt đêm ngày, biển vật vã, sục sôi/ Không bão tố. Biển lúc nào cũng động/ Nỗi lòng anh vẫn cuồn cuộn dưới trời…

Bài thơ chỉ vẻn vẹn có 6 câu và cũng chỉ tập trung vào một chủ đề là nỗi nhớ người thân (có thể là vợ hoặc người yêu) của anh bộ đội đang làm nhiệm vụ canh giữ biển trời của Tổ quốc. Nhưng thật lý thú! Cả 6 câu ấy đều là những tứ thơ được tác giả phát hiện vô cùng sắc sảo, truyền cảm xúc sang người đọc vừa tự nhiên vừa tinh tế.

Mở đầu, chỉ với một câu thơ (8 chữ), tác giả đã cho người đọc thấy khung cảnh của nỗi nhớ như hiển hiện ngay trước mặt: Anh ở đây/ Giữa hỗn mang trời nước.

Trạng từ “hỗn mang” được tác giả dùng thật đắt! Đó là quang cảnh chỉ có trời và nước, nước với trời, mênh mang đến mức khó phân định đâu là nước, đâu là trời. Ngoài trời, nước ra thì thiên nhiên nơi đây không còn gì khác có thể chi phối tâm tư tình cảm, làm nguôi đi nỗi nhớ người thân của anh bộ đội nơi biên đảo. Cho nên: Nỗi nhớ em không một phút nào nguôi, là rất thật!

Thường thì phần “ruột” bài thơ bao giờ cũng phải chiếm một tỷ lệ nhiều hơn hai phần “mở” và “kết”. Hiếm thấy có bài thơ nào lại có số câu cho 3 phần bằng nhau. Càng hiếm hơn khi một bài thơ chỉ với 2 câu ruột đã nói lên được gần như đầy đủ điều tác giả muốn nói: Nhớ: Anh chẳng biết để đâu, đành vùi vào lòng biển/ Nên suốt đêm ngày, biển vật vã, sục sôi.

Chao ôi! Sao mà tác giả  lại có một tứ thơ hay đến thế!

Câu thơ vừa thực lại vừa hư, hư hư, thực thực. Giữa trùng khơi mênh mang trời, nước, nỗi nhớ người thân da diết, lúc nào cũng bám chặt lấy anh bộ đội. Rồi mặt biển đêm ngày cuộn sóng. Đó là cái thực. Không biết để nỗi nhớ vào đâu, đành vùi vào lòng biển. Nhưng nỗi nhớ vẫn “nhớ”, không chịu nằm yên, khiến biển cứ vật vã, sục sôi suốt ngày đêm. Đó là cái hư.

Lại một lần nữa, kỹ năng dùng từ của tác giả đạt đến độ điêu luyện bởi chữ “vùi”. Anh bộ đội chỉ vùi, nghĩa là chỉ cất giấu vào lòng biển, hay nói cách khác là kìm nén tình cảm. Bởi vì: nỗi nhớ người thân là nhu cầu tâm lý tự nhiên, hết sức nhân văn, là điểm tựa tinh thần cho anh bộ đội hoàn thành nhiệm vụ. Vậy mà lại phải đem nó vùi vào lòng biển là vì: còn một thứ khác còn cao hơn, quan trọng hơn nỗi nhớ người thân, đó là nhiệm vụ canh giữ biển trời của Tổ quốc.

Cái chất thép ở trong thơ. Tinh thần xung phong của nhà thơ (lấy ý trong hai câu thơ của Bác Hồ “Nay ở trong thơ nên có thép. Nhà thơ cũng phải biết xung phong”) đã được tác giả gói vào hai câu thơ trên hết sức tinh tế, nếu chỉ trông không thôi thì chưa thấy, mà phải nhìn hai lần để thấy.

Điều lý thú là: tác giả đã lấy cái thực để nói cái hư. Lấy cái hư để tả cái thực, làm cho câu thơ trở nên thực mà hư, hư mà thực. Đây là điều mà nói đi, nói lại vẫn thấy lý thú. Thực tế là mặt biển đêm ngày lúc nào cũng cuộn sóng. Từ thực tế đó, tác giả đã nhân cách hóa nỗi nhớ, nhân cách hóa biển cả bằng cách để anh bộ đội vùi nỗi nhớ vào lòng biển

“Nên suốt đêm ngày, biển vật vã, sục sôi”

Biển vật vã, sục sôi là hiện tượng thiên nhiên, chứ đâu phải do nỗi nhớ bị vùi vào lòng biển gây nên. Vậy mà, tác giả đã truyền cảm xúc vào người đọc đúng như ý tưởng được nhân cách hóa. Một lần nữa người đọc lại phải thốt lên: Tả nỗi nhớ mà đạt đến như vậy, tưởng không còn gì tuyệt diệu hơn thế nữa!

Bài thơ khép lại bằng hai câu vẫn còn nguyên nỗi nhớ:“Không bão tố. Biển lúc nào cũng động/ Nỗi lòng anh vẫn cuồn cuộn dưới trời….”.

Đúng là thơ đã hết, nhưng nỗi nhớ thì vẫn còn. Mà nỗi nhớ vẫn còn thì thơ cũng vẫn còn ở trong lòng độc giả.  Đến đây, chắc bạn đọc cũng đã đoán được tác giả là ai. Đó là Cựu lính đảo - CCB Trần Đăng Khoa, người nổi tiếng “Thần đồng thơ” từ khi còn ở tuổi thiếu niên.

Nguyễn Văn Cự