Đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa, ai cũng biết nhân vật Vương Mãng, tướng nhà Ngụy, ngã lăn từ lưng ngựa xuống đất chết ngay lập tức mà chưa kịp giao chiến,  chỉ vì bị Khổng Minh cất tiếng mắng chửi: “Thằng giặc già Vương Mãng...".

Từ lâu các thầy thuốc Đông Y đã biết: “Vui quá hại tim, tức giận quá hại gan, lo buồn quá hại phổi, hoảng hốt sợ hãi quá hại thận.” Vậy thái độ bình thản trước mọi biến động của cuộc sống để tránh mọi ảnh hưởng xấu của ngoại cảnh đến cơ thể là rất cần thiết, nhất với Tuổi sáu mươi chúng mình.

Vậy ta có thể rèn luyện để có được trạng thái bình thản luôn túc trực trong ta hay không? Câu trả lời là có, nếu theo lời căn dặn của các thầy thuốc Đông Y: “Ý đâu, khí đấy”. “Ý” hiểu là sự tập trung tâm trí và “Khí” ta hiểu là năng lượng sinh học.

Như vậy muốn có sự bình thản ta chớ để năng lượng sinh học tập trung nhiều ở phần đầu, mặt, cổ, ngực. Các khí công Sư dạy, khi ngồi  tập trung vào huyệt đan điền (nằm ở dưới rốn 2-3 phân), khi đứng và đi  tập trung vào hai bàn chân, khi nằm  tập trung vào vùng thắt lưng. Ngoài ra hàng ngày lúc rảnh có thể vào mỗi buổi chiều  ngồi thư giãn - có thể ngồi bán già (nam chân trái để lên trên đùi phải, nữ chân phải để lên trên đùi trái), hai bàn tay để trên hai đầu gối ngửa lên. Lưng  thẳng, cơ lưng  mềm, thả lỏng, thở tự nhiên. Ngồi chừng 20 phút là được.

Ở thời đại hiện nay Tuổi sáu mươi chúng mình phải thật bình tĩnh tiếp nhận thông tin trên các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội. Chớ để cảm xúc nhất thời làm mất tỉnh táo. Kinh nghiệm của tôi là khi nghe, đọc bất cứ thông tin nào, tôi đều nghĩ trong óc: “Có thể đúng hoàn toàn, có thể sai hoàn toàn, có thể có chỗ đúng, có chỗ bịa đặt, thêm thắt”. Thành ngữ Việt Nam  có câu: “Ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Hay như câu Kiều của thi hào Nguyễn Du: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”.

Có những hiện tượng xem thấy cụ thể thì thế, nhưng thực chất không phải thế.  Vì thế mà phải bình thản suy xét, dò cho đến “ngọn nguồn, lạch sông”. Quá trình đi tìm sự thât là quá trình Tuổi sáu mươi chúng mình được nạp năng lượng sống bình thản.

Ngô Tuấn Vũ