CCB, thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Tún bắt mạch cho bệnh nhân.
“Muốn thoát đói, khỏi nghèo thì phải có ý chí, dám nghĩ, dám làm và đặc biệt không lười lao động…” là điều CCB Nguyễn Văn Tún, thương binh hạng 2/4 ở chi hội CCB xóm Dụ Phượng, xã Mông Hóa, T.P Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình nói với chúng tôi.
Những năm đầu do chưa có vốn, ông Nguyễn Văn Tún đã đi xin gốc chuối, ngọn mía về trồng, đào ao thả cá, nuôi gà, vịt, ngỗng đẻ, phát đồi trồng tre, luồng và trồng xen kẽ các loại cây như: ngô, sắn, lạc... lấy ngắn nuôi dài. Cứ thế, tích tiểu thành đại, mô hình VAC của gia đình ông ngày càng được nhân rộng, kinh tế dần ổn định. Miệt mài lao động với đa dạng hình thức làm kinh tế, hằng năm gia đình ông Tún cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Tún còn lên rừng tìm các loại cây thuốc nam quý hiếm về chữa bệnh cho bà con xóm, bản và nhân dân quanh vùng. Hiện nay, tuy sức khoẻ ông không thể cáng đáng việc đồng áng, chăn nuôi, đồi rừng, nhưng kinh nghiệm và ý chí của ông vẫn định hướng cho vợ và các con tiếp tục phát triển những gì ông đã gây dựng.
Điều hạnh phúc nhất đối với ông Tún là con cái thành đạt. Mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng ông Tún vẫn tham gia hoạt động đoàn thể, miệt mài nghiên cứu các bài thuốc gia truyền để chữa bệnh cứu người.
Hằng năm, gia đình ông còn giúp đỡ từ 500-1.000 thang thuốc cho các đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách… tích cực tham gia ủng hộ phong trào, cuộc vận động tại địa phương, xây dựng nông thôn mới.
Ông Tún chia sẻ: “Là người lính, đồng thời là lương y, tôi luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ khi chữa bệnh cứu người. Hơn 40 năm làm nghề bốc thuốc nam, tôi luôn tâm huyết, tìm tòi phát triển nghề y để giữ vững lòng tin với người bệnh”.
Ông Tún được T.Ư Hội CCB Việt Nam và tỉnh Hội tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Đây là vinh dự và cũng là nguồn động viên, khích lệ tinh thần lớn lao đối với người CCB, thương binh “tàn nhưng không phế” Nguyễn Văn Tún.
Nguyễn Thúy