Ông Nguyễn Xuân Tường đọc thơ văn Nguyễn Cao.
Hơn 20 năm qua, nhà văn Nguyễn Xuân Tường - hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh, cựu tù Phú Quốc, quê ở xã Cách Bi, huyện Quế Võ luôn trăn trở, đau đáu viết về đồng đội của mình và về danh nhân Nguyễn Cao.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, năm 1965, chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Tường nhập ngũ và vào chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Tháng 10-1967, Nguyễn Xuân Tường bị giặc bắt, đày ra trại giam Phú Quốc. Hơn 5 năm bị giam cầm, anh và đồng đội đã phải hứng chịu biết bao đòn tra tấn độc ác của bọn cai ngục.
Thực hiện trao trả hàng binh sau Hiệp định Pari, tháng 3-1973, Nguyễn Xuân Tường cùng nhiều anh em tù binh cách mạng được trả tự do và ra Bắc an dưỡng. Tháng 10-1974, anh ra quân, vào học Trường đại học Thông tin liên lạc (nay là Học viện Bưu chính viễn thông). Tốt nghiệp ra trường, Nguyễn Xuân Tường về công tác tại Xí nghiệp ô tô bưu điện cho đến tháng 5-1985 thì nghỉ mất sức.
Năm 1997, tiểu thuyết “Đất giấu” của Nguyễn Xuân Tường được ông thai nghén từ trong lao tù ở Phú Quốc, đã được NXB Quân đội nhân dân xuất bản. Đó cũng là bước tạo đà để ông tiếp tục viết sách.
Nhà văn Nguyễn Xuân Tường suy nghĩ nhiều hơn về những đồng đội - cựu tù anh dũng, kiên trungở nhà tù Phú Quốcvà liên tưởng đến cuộc đời của sĩ phu yêu nước, danh nhân Nguyễn Cao (1837-1887). Nguyễn Cao là lãnh tụ của phong trào khởi nghĩa chống Pháp. Khi bị địch bắt, trước sự mua chuộc, uy hiếp của bọn thực dân và tay sai bán nước, ông đã tự rạch bụng, cắn lưỡi tự sát để giữ tròn khí tiết. Nguyễn Xuân Tường hết sức kính phục khí tiết và lòng yêu nước của Nguyễn Cao.
Một thời gian dài, nhà văn Nguyễn Xuân Tường bị sốt rét phải chữa chạy liên tục, người chỉ còn da bọc xương. Gia đình, bạn bè ai thấy cũng xót xa. Nhưng chính thời điểm đó, bút lực của ông lại thật dồi dào và ông luôn có cảm giác ai đó thôi thúc. Đêm nào ông cũng trở dậy thắp đèn dầu ngồi viết, mỗi đêm viết 3 đến 4 trang, liên tục trong mấy tháng cho đến khi hoàn thành tiểu thuyết “Vào cõi vĩnh hằng”, khắc họa đậm nét cuộc đời danh nhân văn hóa Nguyễn Cao.
Riêng đề tài về danh nhân Nguyễn Cao, nhà văn đã hoàn thành 4 tiểu thuyết, 6 truyện ngắn và hàng chục tiểu luận, tiêu biểu như: “Người bảo lãnh tù trọng án”, “Vị tướng được dân ngưỡng mộ”, “Tâm thế Nguyễn Cao và sự tri ân của xã hội”, “Những lần từ quan của Nguyễn Cao”, “Nguyễn Cao “hỏi thăm” nhượng địa đồn Thủy”, “Nguyễn Cao khóc vợ”…; mới đây là truyện ngắn “Lễ vật” đăng báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Đặc biệt, truyện ngắn “Cầu Kiều ai cũng bắc” viết về Nguyễn Cao đã đoạt giải Ba cuộc thi truyện ngắn do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2006. Ngoài ra, dựa theo các tư liệu khoa học và những giai thoại về Nguyễn Cao, ông đã hoàn thành tiểu thuyết “Bến nước giai nhân”, “Giảng đường bên sông Đuống” và một kịch bản phim lịch sử “Tạ lễ Hồ Gươm và núi Thiên Thai”. Xen kẽ giai đoạn này, ông hoàn thành 2 cuốn tiểu thuyết về chiến tranh chống Mỹ là cuốn “Bình yên lính” và cuốn “Đợi chờ” được nhà Xuất bản Quân đội nhân dân và Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành.
Với những đóng góp hết mình cho nền văn học nghệ thuật tỉnh phát triển, nhà văn Nguyễn Xuân Tường được nhiều người dân và bạn đọc gọi bằng cái tên trìu mến: “Nhà Nguyễn Cao học”.
Mai Hoàng Hanh