Sau 15 năm được cấp thủ tục đầu tư, Dự án khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam) với hơn 1.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp đến nay vẫn xây dựng dang dở và bị bỏ hoang.

Nhà ở xã hội là mơ ước của người lao động. Nguồn cung nhà ở xã hội đang thiếu hụt, người thu nhập thấp phải thuê trọ, ở chật chội trong những khu nhà cũ, chung cư mini, không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Ở đô thị lớn như Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, trong khi nhiều người đang chật vật không có nhà ở thì tại đây lại có hàng chục nghìn căn hộ phục vụ tái định cư đã hoàn thiện lại bị bỏ hoang. Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hai thành phố này có ít nhất khoảng 18.000 căn hộ tái định cư đang bị bỏ hoang, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm.

Nguyên nhân của thực trạng này là do nhiều khu tái định cư được xây dựng ở những khu vực xa trung tâm, thiếu hạ tầng cơ bản như trường học, bệnh viện, chợ và hệ thống giao thông… Điều này làm giảm sức hấp dẫn và gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển và sinh hoạt. Một số dự án gặp vấn đề về chất lượng xây dựng như vật liệu kém chất lượng, thiết kế không hợp lý và thi công không đạt chuẩn. Những vấn đề này khiến người dân không muốn chuyển đến ở. Ngoài ra, mức đền bù chưa thỏa đáng và chính sách tái định cư theo Luật Đất đai hiện hành còn chưa hợp lý, khiến nhiều người dân không muốn chuyển đến nơi ở mới hoặc không đủ khả năng để sống tại các khu tái định cư vì toàn bộ số tiền được đền bù không đủ để mua suất tái định cư được giao. Đây cũng là nguyên nhân khiến các dự án nhà ở xã hội khó thu hút người mua.

Thống kê trung bình mỗi năm, ước tính mỗi đô thị đặc biệt thiếu hụt ít nhất 50.000 căn hộ. Việc hàng chục nghìn căn hộ bỏ hoang trong khi nhiều người dân không có nhà ở là hiện tượng bất hợp lý. Giá chung cư tăng “nóng”, dự án nhà ở xã hội chậm triển khai khiến người thu nhập thấp mong mỏi mua được căn nhà càng khó khăn hơn, trong khi đó, hàng chục nghìn căn hộ tái định cư lại bị bỏ hoang, không có người đến ở.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội giải ngân rất chậm, hoạt động cho vay của gói tín dụng này mới giải ngân chưa đến 1% nguồn vốn sau hơn 1 năm triển khai. Hiện nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án, với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó đã có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã hai lần hạ lãi suất, còn 8% với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà nhưng lãi suất cao, thời hạn ưu đãi lại ngắn, trong vòng 3-5 năm nên "chưa thực sự thu hút người vay".

Với một người thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân (không quá 11 triệu đồng/tháng) thì "được mua",  không có nghĩa là "mua được" nhà ở xã hội. Vì để mua được một căn nhà ở xã hội giá khoảng 1,5 tỷ đồng sẽ phải đóng trước 20% giá trị căn nhà (khoảng 300 triệu đồng), đồng thời vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng trong khoảng 20 năm. Nếu được vay với lãi suất 7,5% mỗi năm, mỗi tháng phải trả gần 10 triệu đồng cả vốn vay và lãi. Số tiền còn lại dùng để chi phí sinh hoạt đã là không đủ, thì càng khó nói đến các khoản dự phòng rủi ro. Người thu nhập thấp đang bị “mắc kẹt” giữa tiêu chí được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội và khả năng vay ngân hàng.

Năm 2024, Hà Nội đăng ký hoàn thành 3 dự án với gần 1.200 căn hộ nhà ở xã hội, T.P Hồ Chí Minh đăng ký hoàn thành 6 dự án, quy mô gần 3.800 căn hộ. Theo Đề án hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ tiêu của Hà Nội là 18.700 căn và T.P Hồ Chí Minh là hơn 26.000 căn. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều dự án nhà ở xã hội chậm được triển khai, “dậm chân tại chỗ”, dẫn đến một số dự án đã được mở bán nhưng vẫn ế ẩm, liên tục lỡ hẹn bàn giao căn hộ cho người dân theo cam kết. Đây cũng là nghịch lý đang tồn tại khi thị trường bất động sản Hà Nội đang “khát” căn hộ chung cư giá rẻ, nhà ở xã hội.

Để khắc phục tình trạng “người tìm nhà, nhà tìm người”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh vừa ký Văn bản số 1786 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc báo cáo tình hình quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư, trong đó có nội dung giám sát việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong việc quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư; đồng thời đề nghị các địa phương tổng hợp các dự án, số lượng nhà ở tái định cư không còn nhu cầu sử dụng để bố trí tái định cư và có nhu cầu chuyển đổi quỹ nhà này sang nhà ở xã hội, nhà ở thương mại hoặc mục đích khác. Việc chuyển đổi nhà ở thương mại, nhà tái định cư sang nhà ở xã hội phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, đồng thời bảo đảm khả năng đáp ứng về hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực dự án.

Hồ Thanh Hương