Là trưởng Ban Trị sự đạo Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) xã, ông đã đến từng hộ tín đồ PGHH trong xã động viên mỗi lần nấu cơm lấy lại một nắm gạo để dành giúp đỡ người nghèo, đến cuối tháng ông đến từng nhà gom gạo tiết kiệm về phân phát cho các hộ nghèo thiếu gạo ăn. Xã Phú Vĩnh có trên 81% là tín đồ PGHH nên công tác vận động làm xã hội từ thiện được khơi đúng chỗ thì rất hiệu quả. Bước đầu ông kiên trì đi sâu vận động các hộ tín đồ khá giả mỗi bữa ăn gia đình bớt lại một nắm gạo giúp người nghèo làm phước và quan trọng là thương thân tương trợ đùm bọc lẫn nhau, tính nhân đạo rất lớn... Bà con thấy việc làm mang ý nghĩa cao quý của đạo làm người nên ngày càng nhiều hộ tham gia, nghèo đóng góp ít, khá giàu đóng góp nhiều, nhờ số gạo ấy hàng chục hộ nghèo trong xã thoát cảnh bữa cháo, bữa rau. Tiếng lành đồn xa về ý nghĩa thiết thực của nắm gạo tình thương bà con Công giáo cũng xin được đóng góp. Phong trào nắm gạo tình thương phát triển ngày càng mạnh từ tháng đầu chỉ có vài chục hộ tham gia nay tăng lên trên 1.000 hộ và đóng góp ngày càng nhiều. Từ 170 kg/tháng đầu, tăng lên 450 đến 500 rồi 1.000 kg/tháng và hiện nay đã vượt xa con số 1.000kg/tháng. Nhiều người có khả năng đóng góp mỗi tháng 100kg gạo như ông Nguyễn Văn Bĩ, Đỗ Văn Hùng... không chỉ người trong xã tham gia mà còn thu hút người ngoài xã tham gia.
Ngoài giúp người nghèo đủ ăn, cấp nuôi dưỡng thường xuyên người già cô đơn, trẻ mồ côi ai gặp khó khăn thì giúp, không phân biệt trong hay ngoài xã, số còn dư bán lấy tiền giúp người bệnh, cất “Nhà tình thương”, “Nhà Đại đoàn kết”, đóng góp xây dựng phát triển giao thông nông thôn. Từ nắm gạo tình thương, cất “Nhà tình thương” nhiều thanh niên TNXH được cảm hóa do được cấp nhà, trở lại tích cực tham gia công tác xã hội từ thiện. Nhờ đó xã từng bước đẩy lùi TNXH ở địa phương.
được phát động giữa năm 2004 đến nay từ Quỹ “Nắm gạo tình thương” đã cất được 126 nhà và sửa chữa 23 “Nhà tình thương”, “Nhà đại đoàn kết”, xây dựng 6 cây cầu trị giá gần 1 tỉ đồng, đóng góp gần 500 triệu đồng, cùng Nhà nước xây dựng 7 cầu lớn vùng nông thôn, nâng 16 km đường nông thôn cao 3 mét so mặt đường cũ như đường A Phú Vĩnh dài 6km, đường B Phú Vĩnh dài 3km... vượt lũ an toàn, phục vụ phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại vận chuyển vật tư nông nghiệp và nông sản, trẻ em đến trường thuận lợi trong mùa mưa lũ...
Tố Quyên