Ở Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 29, Sư đoàn 307 làm nhiệm vụ giúp bạn Campuchia (chiến trường K) có một chuyện rất thú vị khi có đến ba người lính viết văn, mà tên tuổi của họ khá nổi tiếng trong trên văn đàn cũng như trên mạng xã hội hiện nay.
* Người đầu tiên là Đoàn Tuấn - tác giả của hồi ký “Mùa chinh chiến ấy” được bạn đọc đón nhận nhiệt tình, đặc biệt với những người lính ở từng chiến đấu chiến trường K, vì cuốn sách ấy chính là cuộc sống của họ nơi chiến trường Campuchia khốc liệt, họ như thấy chuyện của chính mình, gặp lại mình một thời tuổi trẻ không thể nào quên. Những người lính tuổi vừa 18, vừa rời ghế nhà trường đã dấn thân vào cuộc chiến tàn khốc:
"...Những người trai chưa trải sự đời
Đã nếm đủ mùi đạn bom chết chóc.
Ôm bạn mà nước mắt khô không thể khóc,
Nước mắt nào vơi bớt nỗi chia phôi!...".
(Khúc tráng ca người lính tình nguyện - Đỗ Ngọc Hanh)
Giữa rừng già Campuchia, nơi rừng thiêng nước độc, những con đường mòn dày đặc mìn địch. Khó khăn, gian khổ, chết chóc hiện hữu từng giờ, thế mà họ vẫn có thể cầm bút ghi lại một quãng đời tuổi trẻ đầy dữ dội đến nỗi khi hoàn thành nghĩa vụ trở về với đất mẹ, đứng giữa đường biên cửa khẩu, không ai bảo ai, đều đứng vái lạy đất nước Campuchia cho lòng nhẹ nhõm hơn. Mới thấy cuộc chiến mà họ đã trải qua tàn khốc đến mức nào. Có thể nói các anh vừa trở về từ nơi địa ngục trần gian, xứ sở của những bãi mìn dày đặc, của sốt rét, của ruồi muỗi, thật kinh khủng!
Chính những năm tháng gian khổ nhưng thật đẹp và đáng sống nhất ấy đã thôi thúc các anh phải ghi lại những hồi ức để lịch sử không bị lãng quên. Những trang viết đầy máu lửa, sinh động với ngòi bút của Đoàn Tuấn, chính là lý do hàng vạn độc giả yêu thích, không chỉ là những người lính đi qua chiến tranh mà còn có sức hấp dẫn với cả giới trẻ, những người chỉ biết chiến tranh qua sách vở.
Nói về Đoàn Tuấn, có một chuyện không thể không nhắc đến. Khi hai người bạn cùng trung đoàn và cùng là đồng hương Hà Nội là Dương Công Hạm và Đoàn Văn Điệp được xuất ngũ để trở về trường đại học, viết tiếp ước mơ còn đang dang dở của mình. Tưởng rằng một tương lai tươi sáng tốt đẹp đang chờ đợi họ nhưng thật không ngờ, chuyến xe định mệnh đưa họ về ấy đã dính mìn của quân Pốt Pốt, một quả mìn tăng, một tiếng nổ khủng khiếp hất tung chiếc xe và tất cả mọi người lên trời... Và tất cả đã tan thành mây khói, kế cả thân xác họ cũng không được nguyên vẹn. Họ sắp được về trong vòng tay mẹ, về với Tổ quốc Việt Nam thanh bình, sắp được ngồi trên giảng đường đại học để thực hiện ước mơ cháy bỏng của mình. Nhưng chỉ một tiếng nổ đầy oan nghiệt kia, tất cả đều tan tành như bọt xà phòng. Thử hỏi trong muôn vàn cách chết, có cái chết nào cay nghiệt, oan ức, đau đớn đến tột cùng như vậy không?
Những trang bản thảo mà Đoàn Tuấn gửi bạn mình mang về nước chưa kịp đến Tòa soạn, đã bị xé tung thành trăm mảnh, bay lả tả, rồi bị vùi lấp trong đất đá Campuchia, một hình ảnh như xoáy vào tâm can mỗi chúng ta...
* Một cây bút khác cũng là trai Hà Nội đầy tài hoa, là Nguyễn Tuấn - bạn cùng trường cấp 3 Trương Định - Hà Nội với Đoàn Tuấn. Mới chỉ học xong lớp 9 (hệ 10 năm), chàng trai Nguyễn Tuấn bước vào cuộc chiến một cách khá mơ hồ, chưa biết họ sẽ sống và chiến đấu ra sao ở một nơi hoàn toàn xa lạ ngoài Tổ quốc mình. Từ một chàng trai thư sinh tuổi vừa 18, mặt còn búng ra sữa, sau mấy năm lăn lộn với nhiệm vụ của người lính trinh sát, đạn bom gian khổ, đã luyện cho mọi cảm xúc của các anh đã chai sạn, đã thành bản lĩnh của người lính chiến.
Dù chưa qua một lớp đào tạo chuyên môn nào về nghiệp vụ viết văn nhưng với khả năng tự có, những trang viết của Nguyễn Tuấn thật sự có sức hút mạnh mẽ với độc giả. Có thể nói với ngòi bút ấy, chân dung của cuộc chiến được phơi bày một cách trần trụi, sống động nhất.
Với giọng đọc truyền cảm của chị Hải Yến, trong trang Win-win Việt Nam, những trang hồi ký “Kể chuyện chiến trường K” của Nguyễn Tuấn thật là máu lửa không kém gì tiểu thuyết chiến tranh của nhà văn nổi tiếng Chu Lai trong kháng chiến chống Mỹ. Ngoài khả năng viết văn, Nguyễn Tuấn còn vẽ và điêu khắc như một họa sĩ thực thụ.
* Người lính viết văn thư ba của Tiểu đoàn 8 là một chàng trai quê Quảng Nam - Đà Nẵng.
Nói như Đoàn Tuấn thì tuy được học ở hai nền giáo dục hoàn toàn khác nhau nhưng họ lại có những điểm tương đồng đến lạ kỳ.
Mê sách, họ có thể ngồi đọc cả ngày, đọc ở bất cứ đâu khi kiếm được một quyển sách mới. Đó là Lê Minh Quốc, một người bị hắc lào kinh niên, người đã từng bị thần chết hơn một lần giỡn mặt. Số là trong một lần đi truy quét, Quốc đã dính mìn, 1 quả mìn KP2 đã nhảy lên ngang gối, cái khoảnh khắc mong manh giữa sống và chết ấy, có lẽ cả đời anh không thể nào quên được. Biết là chết đấy nhưng không thể làm gì hơn vì nó xảy ra quá nhanh, trong một phần nghìn giây là mọi chuyện đã xong. Nhưng thật vô cùng hy hữu và may mắn cho anh, quả mìn không nổ, có lẽ số phận anh chưa thể dừng lại tại đây, để về sau chúng ta có một nhà thơ Lê Minh Quốc - nhà thơ của lính chiến trường K, rất được độc giả yêu thích.
Riêng Quốc còn có tài hùng biện. Anh có thể phát biểu một cách say sưa, hùng hồn như một chính trị gia về các vấn đề thời sự, chính trị trong nước và quốc tế. Chính vì thế, cả chiến sĩ và các cán bộ chính trị từ cấp phân đội đến trung đoàn, ai nấy đều phục tài văn chương, chữ nghĩa và tài ăn nói của anh:
"Thuở làm thơ yêu em
Cung đường mòn trăng khuyết
Đồi nghiêng nghiêng dốc trượt
Võng đung đưa lệch trời...".
(Lê Minh Quốc)
Khi người ta yêu nhau trong điều kiện đất nước không có chiến tranh, người ta hẹn hò nhau nơi công viên ghế đá, người ta dìu nhau đến những cung bậc kì diệu của tình yêu. Những người lính ở chiến trường, quanh năm chỉ thấy rừng già, từng ngày đối mặt với đạn bom, với những hiểm nguy ngày đêm rình rập., mấy năm không thấy bóng dáng một người con gái. Họ chỉ có thể yêu với những người tình trong mộng. Điều đó làm ta liên tưởng đến những người lính Tây Tiến năm xưa trong thơ Quang Dũng, cũng những chàng trai Hà Nội hào hoa phong nhã, đã dấn thân vào cuộc chiến nơi rừng hoang nước độc, và họ đã chiến đấu, hy sinh đầy bi tráng.
Có thể nói trong một tiểu đoàn có đến ba nhà văn đó thực sự là một điều hiếm có, mà nhất lại ở nơi chiến trường khắc nghiệt như chiến trường Campuchia. Chính nhờ những ngòi bút tài hoa đó mà chân dung của cuộc chiến ấy đã được phác họa một cách chân thực sống động nhất. Họ đã để lại những tác phẩm vô giá để lại cho thế hệ mai sau. Và lịch sử không bị lãng quên.
Ngày 19-1-2022
Đỗ Ngọc Hanh