Ông Đỗ Xuân Nội, sinh năm 1945, nhập ngũ năm 1965 là học viên Trường Kỹ thuật ra-đa, quân chủng Phòng không - Không quân, năm 1969 ông xuất ngũ và về địa phương sinh sống. Trong suốt gần 20 năm là hội viên Hội CCB Việt Nam (từ năm 1990 đến nay) ông luôn là hội viên gương mẫu và được bầu vào ủy viên BCH Hội, đến năm 2001 được bầu làm Chi hội trưởng Hội CCB thôn 7, xã Lộc An, ngoài ra ông còn tham gia một số công tác khác do thôn và xã phân công. Nhưng rồi vì đã phát hiện và đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực của một số cá nhân mà ông đã phải nhận quyết định cảnh cáo toàn xã với 3 lỗi vi phạm: Không chấp hành Nghị quyết của Chi hội; gây mất đoàn kết khu dân cư và đơn thư vượt cấp. Trong đơn thư của mình gửi về Tòa soạn ông đã trình bày nội dung sự việc như sau:
Đầu năm 2006, ông Đàm Xuân Được, hội viên Hội CCB thôn 7 đã bị Sở LĐ-TBXH tỉnh Lâm Đồng đình chỉ chế độ trợ cấp thương binh 27% do bị phát hiện sử dụng Kỷ niệm chương giả. Việc này đã gây xôn xao dư luận ở trong Hội và địa phương về việc khai báo làm giả thương binh, một vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây mà Báo CCB Việt Nam đã có lần đề cập tới. Tiếp sau đó, tháng 4-2008 khi địa phương có đợt tuyển nghĩa vụ quân sự, ông Được lại không cho con trai là Đàm Quang Đạt đi khám tuyển. Ban Chỉ huy quân sự xã đã lập biên bản và sử phạt hành chính trường hợp này. Với 2 lỗi vi phạm trên, lẽ ra ông Được sẽ phải bị kỷ luật hoặc ít ra cũng phải bị phê bình, kiểm điểm trước Chi hội để giữ gìn uy tín cho Hội. Nhưng ngược lại ông Được còn được đề cử bầu vào những vị trí cao hơn.
Bức xúc trước sự việc trên, đầu năm 2008, ông Đỗ Xuân Nội đã viết thư gửi đến Đài PT-TH Lâm Đồng hỏi về những trường hợp vi phạm như vậy có bị xử lý kỷ luật không. Đài PT-TH đã gửi lá đơn trên về Tỉnh hội, rồi về đến xã và một cuộc họp Chi hội CCB thôn 7 đã được tổ chức. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra là “họ không đả động gì đến người vi phạm mà họ lại ra sức ép người tố cáo”. Sau đó các cuộc họp liên tục được tổ chức và cuối cùng là dự kiến khai trừ ông Đỗ Xuân Nội ra khỏi Hội để “làm gương” cho người khác. Nhưng sau đó, nhờ sự can thiệp của Thường trực Đảng ủy xã Lộc An mà bản án dành cho ông Đỗ Xuân Nội được giảm xuống mức kỷ luật cảnh cáo toàn xã.
Sau khi vụ việc này được Báo Người cao tuổi phản ánh, đã có đông đảo hội viên CCB và người dân quan tâm chia sẻ và muốn các cơ quan chức năng làm rõ vấn đề chiếc Kỷ niệm chương kia là giả hay thật, nếu là giả thì ở đâu mà có, đồng thời là TNXP thì có được kết nạp vào Hội CCB hay không?
Cũng trong đơn thư của mình, ông Đỗ Xuân Nội còn phản ánh thêm một số dư luận ở xã Lộc An là hiện nay có nhiều người trước đây chưa bao giờ đi bộ đội, nay khi làm chế độ chất độc da cam thì lại nghiễm nhiên được hưởng và còn rất nhiều thứ “giả” nữa để moi tiền của Nhà nước. Tất cả những vụ việc đó người dân đều biết và cũng rất bức xúc nhưng chẳng thể làm gì khi những người dám đứng ra đấu tranh làm trong sạch đội ngũ lại bị khiển trách, kỷ luật và ghép vào tội “Gây mất đoàn kết khu dân cư”. Đề nghị các cơ quan chức năng xã Xuân Lộc cần vào cuộc, kiểm tra kỹ lưỡng để không bỏ sót người vi phạm cũng như không làm oan sai cho người dám đứng ra đấu tranh chống tiêu cực.

Quỳnh Anh