Điều đáng buồn là bản báo cáo này đã cho thấy, mức tăng lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động.
Theo Viện Công nhân-Công đoàn, mức điều chỉnh hợp nhất lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chỉ đạt 65% mức sống tối thiểu của người lao động.
Việc tăng lương tối thiểu phải được tính toán khoa học và từ bữa ăn thực tế của người lao động và giá cả tại nơi làm việc của người lao động. Việc tính toán theo cách tính chung chung như hiện nay là dựa vào các chỉ số như CPI và GDP sẽ không phản ánh hết đời sống thực tế của người lao động. Trên thực tế, mức chi trả của doanh nghiệp cho người lao động hiện nay là không đáp ứng được mức sống tối thiểu. Ngay cả mức tăng lương tối thiểu vừa ban hành cũng không đáp ứng được yêu cầu này.
Theo khảo sát của Viện Công nhân-Công đoàn từ thì mức sống tối thiểu được cấu thành bởi 3 nhóm yếu tố gồm nhóm lương thực phẩm, nhóm phi lương-thực phẩm và xác định nhu cầu nuôi con. Kết quả nghiên cứu cũng cho biết, chi phí để đáp ứng mức sống tối thiểu cho người lao động vùng IV là gần 1,5 triệu đồng/người/tháng, vùng III là gần 1,9 triệu đồng/người/tháng, vùng II là khoảng 2,2 triệu đồng/người/tháng và vùng I là hơn 2,42 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi đó, theo quyết định của Chính phủ, từ tháng 10/2011, mức lương tối thiểu chung áp dụng là 830.000 đồng/ tháng. Đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài (FDI), sẽ là mức điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) thống nhất, đối với vùng I: 2 triệu đồng, vùng II: 1,78 triệu đồng, vùng III: 1,55 triệu đồng, vùng IV: 1,4 triệu đồng.
Như vậy, mức lương tối thiểu hiện tại so với lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu vẫn còn có khoảng cách.
Bảo Lâm