Thời gian qua, trên một số trang mạng xã hội, dưới những chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”, một số người tự xưng mình là những người có “sứ mệnh” -  những người “trung thành” với Đảng, đấu tranh cho “dân chủ, nhân quyền” Việt Nam.

Vậy thực chất quan điểm chính trị của họ là gì? Họ thường xuyên đăng tải những thông tin sai trái, thù địch, bịa đặt mang con “ngáo ộp” cái gọi là “dân chủ, nhân quyền” phương Tây nhằm nói xấu chế độ, chống phá nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Họ cho rằng: “Công cuộc đổi mới 36 năm qua vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc”. Họ “kiến nghị” “thay đổi Cương lĩnh đường lối lãnh đạo của Đảng, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng CNXH, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là “đổi mới thể chế chính trị” từ toàn trị sang dân chủ(!), đòi thực hiện đa nguyên, đa đảng đối lập...

Sống ở những nước phương Tây xa xôi, họ đang muốn phủ lên các quốc gia, dân tộc đang phát triển “làn sóng văn hóa dân chủ, nhân quyền” theo suy nghĩ chủ quan của họ, buộc mọi người phải thừa nhận rằng, chỉ có văn hóa dân chủ, nhân quyền phương Tây mới là hình mẫu chuẩn mực nhất. Sự giáo điều về lý luận ấy đã và đang hợp lý hóa các hành vi bạo lực “đánh trước”, “đánh phủ đầu” nhằm “phòng, chống, ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố để bảo vệ các giá trị dân chủ, nhân quyền phương Tây”, kể cả chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy tự diễn biến, “tự chuyển hóa” đang bị thực tiễn bóc mẽ ý đồ xấu của họ.

Cuộc đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn sử dụng chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” để chống phá cách mạng Việt Nam hiện nay là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách vừa thường xuyên, lâu dài. Đảng ta chỉ rõ: “Tiếp tục nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, nhất là cấp chiến lược; tích cực đấu tranh, phản bác có hiệu quả quan điểm sai trái của các thế lực thù địch” . Đây thực sự là cuộc đấu tranh “một mất, một còn” giữa ta và các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.

Với phương châm chỉ đạo công tác lý luận, tư tưởng phải đi trước, đón đầu; không để “khoảng trống” thông tin, để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc chống phá, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo chống âm mưu “diễn biến hòa bình” các cấp cần nâng cao nhận thức, kỹ năng đấu tranh cho các lực lượng. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả công tác tư tưởng... Đồng thời với “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” .

Đồng thời đa dạng hóa hoạt động đấu tranh theo hướng: Thiết lập và sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng độc hại một cách có hiệu quả. Đặc biệt, phải chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để xâm nhập, chiếm quyền quản trị, làm vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng xã hội có nội dung độc hại. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh, Ðiều lệ Ðảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ðảng. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Ðảng. Các cấp ủy và tổ chức Đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; nghiêm cấm để lộ bí mật của Ðảng, Nhà nước, lan truyền những thông tin sai lệch hoặc tán phát những đơn thư nặc danh, mạo danh, hoặc thư có danh nhưng có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động.

Với thực tiễn sinh động trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã lãnh đạo toàn dân, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta giành hết thắng lợi này, đến thắng lợi khác; cho dù trên con đường đi tới, cách mạng Việt Nam  còn nhiều chông gai, nhưng từ những thành tựu đã đạt được và để khẳng định bản chất nhân văn của chế độ xã hội, thông qua Chính phủ kiến tạo của dân, do nhân dân và vì nhân dân để thúc đẩy phát triển bền vững, Việt Nam sẽ tiếp tục phấn đấu với ưu tiên cao nhất là xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; cải cách pháp luật để củng cố nền tảng thể chế, pháp lý và chính sách bảo vệ, thúc đẩy quyền con người.

Ðồng thời, Việt Nam sẽ nỗ lực đẩy mạnh các chương trình cải cách hành chính để ngăn chặn, đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, phát huy dân chủ, nâng cao hiệu lực Nhà nước pháp quyền, tăng cường các thể chế quốc gia bảo vệ dân chủ, nhân quyền. Ðó chính là giá trị, ý nghĩa đích thực của dân chủ - nhân quyền, mà không ai có thể phủ nhận.

Đại tá, TS. Trần Nam Chuân