Ngoại trưởng Nga - Sergei Lavrov tại sân bay quốc tế Indira Gandhi ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ ngày 31-3-2022.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, các cuộc bỏ phiếu ở Liên Hợp quốc (LHQ) liên quan đến vấn đề này khiến thế giới chia rẽ nghiêm trọng. Dường như đã có sự phân cực giữa các nước phản đối, ủng hộ hay giữ lập trường trung lập trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Một quốc gia có thể bày tỏ lập trường và giữ vị thế trung lập trước vấn đề này hay không trước sức ép của các bên? Câu trả lời là có. Ấn Độ là một ví dụ điển hình.
Ấn Độ, một trong những nền dân chủ lớn hàng đầu trên thế giới, đã thận trọng tránh chọn bên bằng cách duy trì lập trường trung lập về vấn đề này. Cuộc tranh luận về việc liệu Ấn Độ thực sự ủng hộ hay phản đối chiến dịch quân sự của Nga đã trở nên căng thẳng kể từ khi New Delhi bỏ phiếu trắng đối với một nghị quyết của LHQ khi gọi cuộc xung đột Ukraine - Nga là một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Dĩ nhiên, lập trường của Ấn Độ trước tình hình Ukraine thu hút sự chú ý đặc biệt của Mỹ và phương Tây khi họ đã và đang tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga vì chiến sự ở Ukraine.
Với việc Ấn Độ giữ nguyên lập trường, Ukraine có khả năng nổi lên như một điểm bất đồng lớn giữa Washington và New Delhi, vốn đã làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác an ninh song phương và đa phương trong thập niên qua. Chính quyền Tổng thống Mỹ - Joe Biden dường như miễn cưỡng chấp nhận quan điểm của Ấn Độ, hiểu rằng Ấn Độ có một kiểu quan hệ khác với Nga. Tuy nhiên, khi quân đội Nga bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine, Washington gây sức ép buộc New Delhi theo phe Mỹ. Nhà Trắng đã cố gắng dẫn dắt nhóm Bộ tứ, mà Ấn Độ là một thành viên, tập trung vào các mục tiêu của Mỹ bằng cách tổ chức cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến giữa lãnh đạo các nước thuộc nhóm Bộ tứ ngày 3-3 vừa qua. Tuy nhiên, thông cáo chung của cuộc gọi này gây chú ý khi không đề cập trực tiếp đến Nga, nêu bật sự khác biệt giữa Ấn Độ và phần còn lại của nhóm Bộ tứ.
Lập trường của New Delhi về vấn đề Ukraine bắt nguồn từ các lựa chọn hạn chế của nước này. Bất chấp việc đa dạng hóa nguồn cung cấp quốc phòng trong nhiều thập niên, Ấn Độ vẫn phụ thuộc vào Nga. Bất kỳ lời chỉ trích nào của Ấn Độ đối với các hành động của Nga ở Ukraine đều có thể làm gián đoạn mối quan hệ song phương và làm phức tạp thêm việc củng cố năng lực quốc phòng của Ấn Độ. An ninh và sự an toàn của sinh viên Ấn Độ tại Nga và Ukraine cũng ảnh hưởng đến lập trường ngoại giao của New Delhi.
Mặc dù đây là những lý do thuyết phục cho lập trường “trung lập” của Ấn Độ về vấn đề Ukraine, Mỹ vẫn muốn Ấn Độ có quan điểm rõ ràng hơn. Washington có thể có một đòn bẩy gây áp lực buộc Ấn Độ tham gia với Mỹ - đó là việc New Delhi mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Sau nhiều năm đàm phán, năm 2018, Ấn Độ đạt được thỏa thuận trị giá 5,43 tỷ USD với Nga để mua 5 hệ thống phòng không tiên tiến này. Mỹ đã nhiều lần ám chỉ rằng thương vụ S-400 có thể khiến Ấn Độ phải chịu lệnh trừng phạt theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA), theo đó các công ty và cá nhân giao dịch với các công ty quốc phòng được chỉ định của Nga sẽ bị nhắm mục tiêu trừng phạt.
Bất đồng giữa Washington và New Delhi cho thấy xung đột Ukraine không chỉ là một phép thử đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ, mà còn là bài sát hạch căng thẳng đối với quan hệ song phương Mỹ - Ấn Độ. Thế nhưng, xét về lợi ích quốc gia, việc Ấn Độ tiếp tục giữ lập trường trung lập về vấn đề Ukraine là điều có thể khẳng định bởi quan hệ kinh tế, chính trị, quân sự… giữa Nga và Ấn Độ khăng khít, chắc chắn tới mức các lệnh trừng phạt trực tiếp, hay thứ cấp của Mỹ nhằm vào Ấn Độ sẽ không thể đem ra so sánh với lợi ích quốc gia Nam Á này đang có với Moscow.
Thanh Huyền