Anh Trần Văn Cư (tháng 10-1974).

Sau những ngày dài hành quân không nghỉ, chúng tôi đã tới mảnh đất miền Tây Nam Bộ. Đồng bằng sông Cửu Long đây ư? Đất Mẹ thật đây rồi!

Đêm đầu tiên chúng tôi ngủ trong một căn nhà lá bốn bề trống trải. Suốt mấy tháng ngủ võng, ngủ hầm, nay mới được nằm trong ngôi nhà đất mẹ. Ngôi nhà này chủ đã bỏ từ lâu không có giường ghế gì. Chúng tôi trải ni lon nằm dưới đất. Lạ nhà, tôi chẳng thể nào chợp mắt được. Chốc chốc, tiếng đại bác lại hu hú bay qua đầu, tiếp đó là những tiếng nổ kinh hoàng khiến tôi cứ giật mình thon thót. Biết chúng tôi chưa quen không khí chiến trường nên anh Bình - Trung đội trưởng vỗ về: “Cứ ngủ đi! Pháo nó bắn ở xa mà”! Anh Bình vào đây đã 3 năm nên anh nghe quen tiếng bom tiếng pháo.

Hôm sau biên chế về đơn vị mới, Trung đội tôi được bổ sung về hơn 10 anh em tất cả đều quê Hà Bắc. Nói là Trung đội nhưng thực ra chiến sĩ cũ chỉ có 3 người. Chúng tôi về đơn vị, các anh ấy mừng hơn bắt được vàng.

Một buổi chiều, có một người bơi xuồng đến chỗ chúng tôi. Anh ở bộ phận thông tin của Tiểu đoàn, biết chúng tôi là người Hà Bắc nên anh đến tìm đồng hương. Anh là Trần Văn Cư, quê ở thôn An Động, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du. Anh đang là giáo viên dạy cấp II thì rời mái trường ra trận. Anh vào Tiểu đoàn 307, Trung đoàn 1 này đã 3 năm.

Dù chưa gặp bao giờ nhưng biết anh là người Hà Bắc nên chúng tôi mừng lắm. Tôi cứ bám riết lấy anh mỗi lần anh đến chơi. Chuyện gia đình, chuyện quê hương, chuyện đánh giặc, rồi phong tục tập quán của người Nam Bộ thế nào, chuyện gì tôi cũng hỏi mà chuyện gì anh cũng biết. Nhất là kinh nghiệm nghe tiếng súng, tiếng từng loại máy bay, kinh nghiệm đánh công kiên, đánh phục kích vận động hay tập kích bất ngờ. Cả cách giao tiếp mỗi khi gặp các cô gái Nam Bộ nữa. Giọng anh cứ trầm ấm, ngọt ngào thỉnh thoảng lại pha chút khôi hài hóm hỉnh. Buồn cười nhất là cái lần anh Cư dạy tôi tập bơi xuồng. Nhìn anh cầm một mái dầm khua xuống nước, chiếc xuồng vun vút lao đi. Đến lượt tôi thì cứ lóng ngóng. Nhìn lên phía mũi xuồng thì dầm khua không tới nước, mà nhìn xuống tay thì mũi xuồng quay tít. Tôi lảo đảo mất thăng bằng. Anh Cư bảo tôi cứ ngồi yên, kéo dầm ra phía sau giữ lái. Tôi luống cuống khua dầm rối rít. Chiếc xuồng càng tròng trành. Nước trào vào trong xuồng nhiều. Hoảng quá, tôi chạy lại phía anh. Đuôi xuồng bất ngờ bị nâng bổng lên và mũi xuồng chúc thẳng xuống hất cả hai anh em xuống sông.

Trước buổi ra trận đầu tiên, anh Cư đến động viên chúng tôi. Anh căn dặn rất tỉ mỉ cách gỡ mìn lúc vào tiếp cận mục tiêu, đề phòng khi quân địch cố thủ ngoan cố, rồi cảnh giác khi ta đã làm chủ trận địa mà còn có kẻ địch ẩn nấp đâu đó bắn trộm… Chia tay anh, tôi cứ đinh ninh những lời dặn dò của anh. Trận ấy đơn vị tôi thắng lớn. Một tiểu đoàn địch bị tiêu diệt trên bờ kênh Giải Phóng, huyện Phụng Hiệp - Cần Thơ. Trận ấy tôi được tặng Bằng khen.

Thế rồi hết tập kích lại chống càn, hết phục kích lại công kiên, hết mật tập lại cường tập, đơn vị liên tục hành quân di chuyển. Tôi đã dần quen cuộc sống chiến trường. Có trận thắng lớn, có trận thắng nhỏ, có trận không hoàn thành mục tiêu. Đồng đội của tôi cứ vơi dần. Có lúc tôi hơi hoang mang. Thú thực không phải sợ chết mà tôi chỉ cảm thấy rất tiếc nếu như mình phải ra đi quá sớm trong khi bao dự định còn dang dở. Tôi vẫn ước mơ về mái trường đại học mà. Nghĩ về anh Cư, tôi lại vững tâm hơn. Tôi thường nhủ lòng: Các anh ấy đã chịu đựng được mấy năm rồi thì nhất định mình sẽ chịu đựng được.

Suốt mấy năm, mặc dù cùng một tiểu đoàn nhưng do phải phân tán lực lượng nên ít khi tôi được ở gần anh. Còn anh Cư thì cứ có cơ hội là lại đến thăm chúng tôi. Anh kể cho tôi nghe kỷ niệm về những ngày anh mới làm giáo viên. Kỷ niệm về các học trò của anh, về những bài giảng văn, giá như có một chút thực tế chiến trường. Nghe anh kể, tôi thầm ước sau này trở về tôi cũng làm nghề dạy học.

Tháng 10-1974, anh Cư đến thăm tôi ở Kênh Ngang. Anh kỷ niệm tôi một tấm ảnh. Tôi không ngờ đây là lần cuối cùng tôi được gặp anh. Bởi ít ngày sau, cả Trung đoàn tôi chuyển địa bàn từ Cần Thơ - Sóc Trăng sang Trà Vinh - Vĩnh Long. Lúc này ta chuẩn bị đánh lớn trên toàn Miền. Anh Cư được đề bạt Chính trị viên phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 307, còn tôi vẫn ở Đại đội 2, cùng tiểu đoàn với anh. Giữa tháng 12, tôi bị thương trong lần đi điều nghiên Hội đồng xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, phải đi bệnh xá điều trị. Anh Cư cùng trung đoàn đi giải phóng một loạt đồn bốt ở các huyện Trà Cú, Cầu Kè, Càng Long, Duyên Hải thuộc tỉnh Trà Vinh. Cuối tháng 1-1975, tôi được tin anh Cư đã hy sinh trong trận đánh chi khu Long Toàn. Tôi sững sờ, đau đớn! Sao anh ra đi sớm quá vậy?!

Tấm ảnh anh tặng tôi còn đây. Anh đội đứng tựa vào một gốc cây dừa ngọn xơ xác, miệng cười thật tươi. Ánh mắt thật hiền nhìn tôi và cái giọng trầm ấm như đang thủ thỉ cùng tôi!

Trong những ngày lạ lẫm nơi chiến trường, tôi may mắn được gặp anh Cư. Chính anh đã giúp tôi có đủ cam đảm để trở thành một người lính xông pha nơi chiến trường. Và cũng chính anh đã hướng cho tôi bước tới cổng trường sư phạm để sau trở thành Nhà giáo Ưu tú.

Suốt những năm tháng đứng trên bục giảng, cả khi đã được nghỉ ngơi, tôi không khỏi bồi hồi mỗi lần nghe đến các địa danh của miền Tây Nam Bộ, nơi chúng tôi từng sống và chiến đấu. Nơi ấy tôi được gặp anh Cư. Nơi ấy ghi bao kỷ niệm vui buồn của chúng tôi. Và nơi ấy, giờ này có bao đồng đội thân yêu của tôi đang yên nghỉ. Trong đó có anh Cư yêu quý của tôi - Thầy giáo Trần Văn Cư!...

NGƯT Vũ Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội CGC huyện Lương Tài