Người lao động muốn được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 để sớm có việc làm trở lại.

Tình trạng thiếu hụt lao động sẽ trở nên “nóng hơn” khi dịch Covid-19 dần được khống chế. Giải pháp nào giữ chân lao động trước bối cảnh hàng chục nghìn người rời T.P Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… để về quê? Hệ lụy liên quan đến nguy cơ thiếu hụt lao động phục vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh ở địa bàn đi, xuất hiện tình trạng thất nghiệp của nhiều lao động ở địa bàn đến.

Thừa việc làm, thiếu lao động

Việc hàng trăm nghìn người lao động quay trở lại quê nhà như thời gian qua làm cho “cơn khát” người lao động của doanh nghiệp càng thêm trầm trọng hơn. Bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực với số lượng lớn sau dịch, nhất là các ngành thâm dụng lao động như giày da, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử… đã tới lúc cần lời giải hoàn chỉnh.

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 10 đến nay, tỉnh Đồng Nai đã có hơn 1.000 người lao động về quê. Bên cạnh đó, nhiều công nhân lao động “vùng xanh” vẫn chưa được tiêm vắc-xin, chưa đủ điều kiện được đi làm trở lại, còn lao động của các "vùng đỏ", "vùng cam" và "vùng vàng" vẫn chưa thể quay lại doanh nghiệp làm việc. Thực trạng khiến cho nhiều doanh nghiệp lớn trong tỉnh phải đối mặt với vấn đề thiếu nhân công khi hoạt động trở lại. Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp, thu hút 1,2 triệu lao động. Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chỉ có hơn 134.000 công nhân làm việc theo phương án “3 tại chỗ”. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, tính đến nay đã có 30 doanh nghiệp được chấp thuận hoạt động trở lại với tổng số hơn 19.000 công nhân được đi về hằng ngày bằng xe cá nhân hoặc xe đưa đón.

Tại tỉnh Bình Dương, nhiều doanh nghiệp đang phục hồi sản xuất không tuyển được lao động vì nguồn lao động “xanh” còn ít. Trong khi đó, một số lượng lớn công nhân vẫn ở phòng trọ chờ đợi thông báo để đến nhà máy làm việc. Nhiều công ty quy mô hơn 2.000 lao động, mới chỉ tái sản xuất được với 15-30% lao động. Công ty sản xuất giày (phường Bình Chuẩn, T.P Thuận An) trước dịch có 5.600 công nhân, hiện nay mới đưa được 700 lao động vào nhà máy sản xuất "3 tại chỗ", số còn lại vẫn ở nhà do chưa đủ điều kiện được đi làm. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đang khảo sát lại nhu cầu lao động tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và tiếp tục vận động, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn để họ tiếp tục ở lại làm việc.

Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành có người trở về từ vùng dịch cũng đang lên kế hoạch rà soát, ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi, đạo tạo nghề để giải quyết việc làm cho các đối tượng trong độ tuổi lao động. Nhiều địa phương coi đây là cơ hội để giữ chân và thu hút người lao động. UBND tỉnh Thanh Hóa có Phương án số 198/PA-UBND về việc đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly, Ngân hàng CSXH tỉnh cũng đang khẩn trương rà soát, ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi để giải quyết việc làm cho các đối tượng là lao động trở về từ vùng dịch…

Cần giải pháp đồng bộ cho “cơn khát” lao động

Qua báo cáo nhanh của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổng hợp từ 47 tỉnh, thành, tính từ ngày 1-10 đến nay có 373.879 công dân được đón nhận về các địa phương.

Trước tình trạng trên, Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) dự báo, thị trường lao động Việt Nam đang tiềm ẩn nguy cơ mang tính dài hạn cả về phía cung lẫn cầu lao động. Trong bối cảnh đó, cần triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 và Quyết định số 23. Đặc biệt cần ưu tiên thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Khẩn trương thực hiện lộ trình phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện “bình thường mới”, tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định không kiểm soát giấy đi đường của công nhân mà chỉ cần đeo thẻ do doanh nghiệp cấp để làm cơ sở đi lại. Tỉnh cũng chuẩn bị lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phương án đón công nhân từ các tỉnh trở lại Đồng Nai, rà soát các khu nhà trọ, đảm bảo điều kiện ăn ở, phòng dịch tốt hơn cho công nhân.

Các địa phương có người lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam cần chủ động phối hợp với các tỉnh này để cùng chăm lo và có chính sách hỗ trợ cho người lao động của địa phương mình yên tâm ở lại làm việc, thay vì chỉ lên phương án đón người lao động về quê, dẫn đến đứt gãy nguồn nhân lực khi các tỉnh khu vực phía Nam đang dần kiểm soát tốt dịch bệnh.

T.S Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhận định: Nhân lực là tiền đề để hồi sinh kinh tế, tuy nhiên chỉ riêng 1 tỉnh, thành, 1 địa phương không thể tổ chức lại được. Cần một chiến lược, chương trình mang tầm quốc gia, cả hệ thống vào cuộc với bàn tay điều phối của Chính phủ đi cùng những quyết sách, chính sách hỗ trợ thiết thực từ phía T.Ư để làm cơ sở cho các địa phương huy động nguồn lao động trở lại.

Hồ Thanh Hương