Doanh nhân CCB Trần Hòa (hàng đầu, đứng giữa) đưa đoàn tham quan, thăm mô hình kinh tế của gia đình tại phường Cửa Ông, T. P Cẩm Phả.

Đến T.P Cẩm Phả (Quảng Ninh), chúng tôi hỏi về doanh nhân CCB Trần Hòa - Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty CP khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường, không ai không biết. Họ gọi ông với cái tên thân mật “Hòa chăn nuôi”. Có được sự “nổi tiếng” ấy là nhờ cái tài sản xuất, kinh doanh của ông, đặc biệt là trong quản lý người lao động.

Sau khi xuất ngũ, tận dụng 47ha ao hồ, đầm lầy ở cuối phường Cửa Ông, T.P Cẩm Phả của gia đình, ông đầu tư chăn nuôi lợn, gà, ngan, ngỗng, cá sấu, ba ba, cá rô phi, trồng rừng... Đến nay, sau 20 năm, doanh nhân CCB Trần Hòa đã thành lập Công ty CP khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường với cơ ngơi đồ sộ. Để đi thăm quan khu trồng trọt, chăn nuôi rộng 396ha của ông phải dùng xe máy, hoặc ô tô. Những con đường uốn lượn quanh co trong khuôn viên của Công ty được bao bọc bởi nhiều loại cây ăn quả. Những người đến đây đều choáng ngợp với quy mô của mô hình sản xuất kinh doanh. Đây chỉ là một trong số 9 cơ sở sản xuất, kinh doanh của ông.

Để có được cơ ngơi đó, ông có cách quản lý người lao động hiệu quả. Ông xem đây vừa là nguyên tắc vừa là nghệ thuật. Quan điểm của ông là: Khoán cho người lao động. Bởi theo ông: Khoán con người ta tự giác hơn, lao động một cách rõ ràng hơn, tránh tình trạng ỉ lại, “hết ngày đầy công”, thay vào đó là “chỉ hết việc chứ không phải hết giờ”.

Trước hết, ông chọn người quản lý tâm huyết với công việc. Từ đó, khoán cho người quản lý về năng suất, họ sẽ có các cụm nhỏ để tiết giảm, tiết kiệm được nhiều thì lương họ cao. Chế độ cao mới kích thích được sự cống hiến, sáng tạo của người lao động. Đồng thời cũng không có tình trạng “tham nhũng vặt” trong công ty.

Các cơ sở của ông ở khắp nơi, từ các huyện Vân Đồn, Ba Chẽ, Móng Cái.. đến cả tỉnh Thanh Hóa, do vậy đội ngũ quản lý phải báo cáo lãnh đạo theo tuần về năng suất, sử dụng thuốc, cám, nhân công... hằng tuần sẽ họp giao ban trực tuyến vào thứ 2 và thứ 6. Nếu có vấn đề đột xuất phải báo cáo xử lý ngay.

Ông cho rằng, đội ngũ kỹ thuật khoán riêng, đội ngũ sản xuất khoán riêng. Bộ phận kỹ thuật chỉ làm kỹ thuật. Hiện, công ty có 2 kỹ sư phụ trách về dinh dưỡng và thú y phải báo cáo thường xuyên và giám sát chặt chẽ. Ví như, trong một ngày nhưng thời tiết giữa Quảng Ninh và Thanh Hóa khác nhau thì việc sử dụng thức ăn, nước uống… cho gia súc, gia cầm là khác nhau, không thể áp dụng cho toàn hệ thống của Công ty. Hoặc quy định lợn từ cai sữa đến xuất chuồng tỷ lệ phí hao là 1,5%, nếu tiết kiệm dưới mức này thì đội ngũ kỹ sư được hưởng, còn quá thì phạt. Như thế mới kích thích họ nỗ lực, trách nhiệm với công việc được giao.

Nhờ cách quản lý người lao động một cách khoa học, bài bản mà các cơ sở của Công ty hoạt động trơn tru, hiệu quả. Hiện nay, Thiên Thuận Tường là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong toàn tỉnh về phát triển chuỗi OCOP. Mỗi năm, Công ty xuất bán hàng nghìn tấn sản phẩm thịt chất lượng cao ra thị trường trong nước và Trung Quốc.

Chia tay CCB Trần Hòa, những lời nhắn nhủ của ông vẫn văng vẳng bên tai chúng tôi: Các bạn trẻ mới thành lập doanh nghiệp cũng nên thực hiện theo cách thức khoán việc. Công ty chỉ đầu tư vào vĩ mô, thu lợi nhuận theo tỷ lệ…

Minh Anh