CCB Bùi Quang Huấn kiểm tra các hũ phôi nấm đông trùng hạ thảo.

Đông trùng hạ thảo được xem là một dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao. Mô hình nuôi trồng dược liệu quý này được CCB Bùi Quang Huấn ở ấp 3, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, T.P Cần Thơ đầu tư, phát triển, mở ra hướng làm nông nghiệp kỹ thuật cao cho người dân tại địa phương.

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề này, ông Huấn bộc bạch: “Tôi là bệnh binh mất 65% sức khỏe. Ðược bạn bè chỉ dẫn nên tôi mua nấm đông trùng hạ thảo bồi bổ. Nhận thấy hiệu quả của sản phẩm, tôi quyết tâm học cách nuôi cấy”.

Để nuôi trồng nấm, ông ra Hà Nội tham quan, học hỏi kinh nghiệm; tự nghiên cứu tài liệu trên Internet; thuê các chuyên gia tư vấn để nuôi cấy… Trải qua nhiều lần thất bại, có lần hỏng hơn 1.000 hũ phôi, đến cuối năm 2019, ông Huấn nghiên cứu thành công cách nuôi cấy; đồng thời phát triển cơ sở thành Công ty TNHH MTV đông trùng hạ thảo Cờ Ðỏ Huấn Xoa.

Theo ông, việc nuôi cấy đông trùng hạ thảo không dễ bởi loài nấm này thường sống trong môi trường lạnh. Đồng thời, trong quá trình nuôi cấy phải đảm bảo được tiêu chí “sạch”, khử trùng để nấm không bị nhiễm bệnh. Chính vì thế, với diện tích nhà xưởng chỉ 50m2 nhưng vợ chồng ông Huấn đầu tư, trang bị hệ thống máy móc rất hiện đại, như: Tủ cấy, máy phun sương, nồi hấp, máy lạnh…

Theo quy trình nuôi cấy, các giá thể (gạo lức, nước dừa, nhộng tằm, tinh đậu nành…) sẽ được đưa vào nồi hấp thanh trùng khoảng 90 phút. Sau khi để nguội sẽ được cấy giống đông trùng hạ thảo vào các hũ nhỏ và đem ủ trong phòng tối từ 5-7 ngày. Đến khi trong các hũ bắt đầu mọc tơ nấm thì đem ra nuôi trồng trong phòng kín với nhiệt độ 17-22 độ C, độ ẩm 70-80%. Sau 3 tháng sẽ cho ra sản phẩm đông trùng hạ thảo hoàn thiện.

Trong quy trình nuôi trồng, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng là những yếu tố rất quan trọng để đông trùng hạ thảo phát triển tốt, mang lại dược tính cao. Chia sẻ thêm bí quyết, ông Huấn cho biết: “Trong quá trình nuôi cấy phải theo dõi thường xuyên. Chẳng hạn khi phát hiện hộp nấm bị hư thì phải xử lý kịp thời để tránh lây lan sang các hộp khác. Mỗi ngày, tôi phải khử trùng 2-3 lần để đảm bảo tiêu chí sạch”.

Hiện nay, Công ty sản xuất nhiều sản phẩm từ đông trùng hạ thảo, như: nấm sấy khô, viên nén, trà… Nâng niu trên tay từng hũ đông trùng hạ thảo đang phát triển tốt, ông Huấn bày tỏ về dự định ấp ủ: “Đông trùng hạ thảo là loại dược liệu quý, tôi dự định mở rộng diện tích nuôi cấy và mong muốn người tiêu dùng sẽ biết đến sản phẩm này nhiều hơn. Qua đó, góp phần đưa mô hình nông nghiệp công nghệ cao ngày càng phát triển tại địa phương…”.

Tháng 10-2022, sản phẩm đông trùng hạ thảo của ông Huấn được công nhận đạt chuẩn OCOOP. Là người tiên phong trong nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo, hơn 3 năm qua, Công ty của CCB Bùi Quang Huấn là điểm tham quan, học tập cho người dân. Ông Huấn luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cấy nấm và đã có 2 CCB đã thành công trong công việc này.

Quang Nam