Đức là nước công nghiệp phát triển duy nhất loại bỏ dần than đá và năng lượng hạt nhân. Những tưởng hành động tiên phong này của đầu tàu kinh tế châu Âu sẽ mở ra kỷ nguyên mới về năng lượng sạch, hướng tới đạt được các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu mà các nước đã cam kết ở Glasgow, Vương quốc Anh, năm 2021, nhưng thực tế không được như vậy.
Ngày 31-7, Đức đã khởi động lại nhà máy điện than Mehrum trong nỗ lực tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt hiện nay. Theo thông báo, đây là nhà máy điện than đầu tiên hoạt động trở lại tại nước này và như vậy có nghĩa là còn nhiều nhà máy điện than khác ở Đức sẽ được tái khởi động.
Thực tế, chuyện chuyển từ năng lượng hạt nhân và nhiệt điện than sang các loại hình năng lượng khác ở Đức và nhiều quốc gia sẽ thành công nếu không có các lệnh cấm nhập khẩu khí đốt từ Nga. Khi nguồn cung khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc, vốn đóng vai trò quan trọng chiến lược cho an ninh năng lượng của Đức bị cắt giảm xuống mức 20%, Chính phủ Đức phải cân nhắc việc ngừng loại bỏ hạt nhân và chuẩn bị về mặt pháp lý để đưa các nhà máy điện than trở lại thị trường.
Theo Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Đức, một sắc lệnh tiết kiệm khí đốt đang được soạn thảo nhằm ngăn chặn nguy cơ "sản xuất điện từ khí đốt tự nhiên nhiều tới mức không cần thiết". Bộ trưởng Robert Habeck cho biết: Đức đang làm mọi thứ có thể để đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu khí đốt, đồng thời khẳng định nước này cần tiết kiệm năng lượng và tìm các nguồn khác thay thế.
Nước Đức và nhiều quốc gia khác phải tìm mọi cách để bảo đảm năng lượng cho mình trong thời điểm có quá nhiều khó khăn đối với thế giới. Nỗ lực này vô tình lại là một bước lùi với các cam kết chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nam Long