Ngày 26, 27-7-2022, Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội lần thứ XIII được tổ chức tại Hà Nội. Phiên khai mạc Đại hội có Chương trình Văn nghệ chào mừng do Hội Âm nhạc Hà Nội biểu diễn, gồm 4 bài hát ca ngợi Thủ đô và hưởng ứng cuộc chiến chống “giặc nội xâm” của Đảng.

Cả 4 bài hát đều đưa hình ảnh minh họa phù hợp với nội dung từng bài. Trong đó có bài hát thứ 4: “Sau lời tuyên thệ” của nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, phổ thơ Lê Cảnh Nhạc - bài hát hưởng ứng cuộc chiến chống tham nhũng, suy thoái và tiêu cực, đưa hình ảnh một số cán bộ cao cấp của Đảng phạm tội tham nhũng đã bị Đảng ta xử lý rất nghiêm khắc, với tinh thần “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Trong số những hình ảnh đó có ông Nguyễn Thanh Long - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Chu Ngọc Anh - nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân T.P Hà Nội. Hai ông đều phạm tội tham nhũng, làm thất thoát ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng bị khai trừ ra khỏi Đảng - hình thức kỷ luật cao nhất trong Đảng và đang bị giam giữ để điều tra.

Tuy nhiên, ngay sau Đại hội dư luận xôn xao, vì trong đại đa đa số người khen thì lại có đôi ba ý kiến trái chiều. Thậm chí có ý kiến  rất gay gắt, cho rằng việc đưa hình ảnh ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh là một “sự cố”(!)  

Vậy có phải là “sự cố” không? Chống tham nhũng, sai trái là “sự cố“ ư? Tôi cũng rất ngạc nhiên và không phải chỉ có tôi mà rất nhiều đại biểu ngồi nghiêm túc ở hội trường, suốt cả hai ngày đại hội cũng có cảm giác như tôi - là không hiểu sao một việc rất đúng đắn, có tác dụng tuyên truyền, giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh tốt như thế, lại bùng lên những ý kiến trái chiều, thành một “sự cố” kinh khiếp đến vậy.

Có người nhân ái theo kiểu “cải lương”: Kể ra, nếu thật sự tinh tế và kỹ lưỡng thì không đưa hình ảnh ông Chu Ngọc Anh, vì dẫu sao, ông cũng từng là Chủ tịch Hà Nội. Đây lại là Đại hội của các văn nghệ sĩ Hà Nội. Kể thì cũng có lý, có tình. Nhưng ông Chu Ngọc Anh không còn là Chủ tịch Hà Nội. Ông đã bị cách hết mọi chức vụ, đến cả chức danh đảng viên cũng không còn. Có người biện luận: Toà chưa xử thì chưa có tội. Nếu chưa có tội thì sao bị cách chức, sao bị xoá tên đảng viên. Và sao lai bị bắt, bị tạm giam, nghĩa là đã mất quyền công dân.  Còn xét về lý thì không những không sai mà còn là cần thiết, vì hơn ai hết lẽ ra ông Chu Ngọc Anh phải là một trong đảng viên gương mẫu số một thực hiện Lời thề của Đảng. Vì ông là người đứng đầu, người lãnh đạo cao nhất về mặt chính quyền ở một Thủ đô đứng đầu cả nước. Bài hát chạm đến những đảng viên biến chất, thì đưa hình mấy ông biến chất ra minh họa cũng hợp lý thôi chứ có gì  đâu.

Đúng là nếu ai không biết, hoặc không nghe nội dung bài hát, chỉ nhìn hình ảnh ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long và những đảng viên biến chất bị kỷ luật lồ lộ trên màn hình đại hội, thì đúng là phản cảm thật. Nhưng đây là hình ảnh minh họa cho lời bài hát: “Hai mươi tuổi còn bước vào đội ngũ, mắt long lanh đứng tuyên thệ dưới cờ, nhìn búa  liềm rực rỡ, nguyện đời con theo lý tưởng Bác Hồ… Tiếc rằng đường đi những ngày qua có những người đã nuốt lời thề hứa… vì hư danh hoen ố cả ước mơ…”.

Sự thật là người nào vào Đảng cũng tuyên thệ, cũng hứa học theo tấm gương liêm khiết của Bác Hồ, nhưng rồi không ít người đã nuốt lời tuyên thệ, trở thành nỗi kinh hoàng của dân, mà điển hình như hai ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh. Các ông không chỉ làm ô danh cho bản thân, gia đình, dòng họ, nơi công tác, mà còn góp phần làm mất niềm tin của dân với Đảng.

Lần đầu tiên, trong âm nhạc Việt Nam đã có bài chống tham nhũng tiêu cực trực diện như thế. Mấy hình ảnh minh họa cho nội dung câu hát, chỉ xuất hiện trong mấy giây, nhưng có tác dụng răn đe, phê phán cảnh tỉnh rất cao.

Đúng như lời dãi bày của nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường. Ông nói đại ý: Khi phổ nhạc cho bài “Lời tuyên thệ”, tôi đã thêm từ “sau”, vì theo tôi, sau lời tuyên thệ đã có nhiều đảng viên không giữ trọn lời tuyên thệ của mình để cho tiền bạc, hư danh, cám dỗ, quật ngã trên dọc đường đi những ngày qua. Đó là thực tế đau xót.

Có người  còn lên án Nguyễn Lân Cường, Lê Cảnh Nhạc là những kẻ cơ hội chính trị. Một người đã ở tuổi 80 như Lân Cường, đã về hưu như Lê Cảnh Nhạc thì có gì mà cơ hội. Lại có người bảo, cái lão già Trần Đăng Khoa tự dưng lại thanh minh thanh nga. Tôi có lên quan gì đến một tiết mục chào mừng đại hội của hội Âm nhạc Hà Nội đâu mà thanh minh. Thấy có điều không ổn thì tôi lên tiếng thôi. Cũng có người ái ngại khi nhìn hình ảnh ông Nguyễn Thanh Long “bị bêu“ trong loạt hình ảnh minh họa bài hát, nhưng sao họ không nghĩ đến hàng ngàn người dân bị chết, chết như rạ ở T.P Hồ Chí Minh trong mùa Covid  mà ông ta bảo kê cho Việt Á xét nghiệm rởm để trục lợi hàng ngàn tỷ đồng?

Nhạc sĩ Lân Cường cho rằng, âm nhạc ca ngợi cái đẹp của cuộc sống, nhưng âm nhạc cũng đồng thời phải có tiếng nói đấu tranh với những điều sai trái. Trong một đại hội của văn nghệ sĩ Thủ đô, bản hợp xướng này được trình bày không có gì sai trái khi Đảng ta đang đẩy mạnh chống nạn tham nhũng.

“Bài hợp xướng như một lời cảnh tỉnh cho tất cả đảng viên không trừ một ai” - nhạc sĩ Lân Cường chia sẻ. Chính vì thế, việc đưa ảnh các nhân vật đang vướng vào vòng lao lý theo nhạc sĩ là để dẫn chứng về những đảng viên sa ngã, đồng thời sau đó phải lấy đấy làm gương.

Trần Đăng Khoa