Thủ tướng Trung Quốc - Lý Khắc Cường (bên trái) tiếp Thủ tướng quốc đảo Solomon - Islands Manasseh Sogavare tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 2019.
Trong khi cuộc xung đột ở Ukraine chưa kết thúc bởi một trong những lý do là cả Nga và Ukraine đều muốn có sự bảo đảm an ninh cho mình thì ở Nam Thái Bình Dương hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và Solomon lại khuấy động các quốc gia lớn, nhỏ ở khu vực vốn xưa nay rất yên tĩnh.
Cuối tháng 3 vừa qua, Trung Quốc và quốc đảo Nam Thái Bình Dương - Solomon đã ký thỏa thuận hợp tác về lực lượng cảnh sát, để ngỏ khả năng ký thỏa thuận hợp tác an ninh liên quan đến quân sự. Những động thái này khiến Mỹ, Australia và New Zealand cảnh giác cao độ, lo ngại Trung Quốc có thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương và kích động làn sóng quân sự hóa khu vực, dù rằng Solomon đã khẳng định sẽ “không mời Trung Quốc đặt căn cứ quân sự ở đây”. Với các quốc gia trên, khả năng Solomon trong thời gian tới trở thành “căn cứ Djibouti” của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương để răn đe liên minh an ninh ba bên Mỹ - Anh - Australia (AUKUS) hay không, đang thu hút quan tâm chặt chẽ của giới quan sát.
Năm 2017, Djibouti là nơi Trung Quốc đặt căn cứ hải quân đầu tiên ở nước ngoài, nâng cao tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực cũng như khả năng viễn chinh của hải quân nước này. Khi Trung Quốc xây dựng quan hệ chiến lược với Djibouti và đặt căn cứ hải quân ở đây, Djibouti được coi là cửa ngõ để Trung Quốc thực hiện chính sách “Vành đai - Con đường”, tiến xa hơn tới châu Phi. Trong khi đó, Solomon, với dân số chưa đến 1 triệu người, không có lực lượng quân đội và chỉ có hơn 800 cảnh sát, từ trước đến nay luôn xem các nước lân cận Australia và New Zealand là đối tác hợp tác an ninh chủ yếu. Năm 2017, quốc đảo này đã cùng Australia ký một hiệp ước an ninh song phương liên quan đến việc triển khai lực lượng cảnh sát và lực lượng vũ trang.
Tuy nhiên, từ năm 2019, khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan (Trung Quốc) và chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Solomon không ngừng dựa vào Bắc Kinh về mặt an ninh. Gần đây nhất, tháng 11-2021, bạo loạn phản đối Trung Quốc trên quy mô lớn đã diễn ra tại thủ đô Honiara của Solomon. Trung Quốc sau đó đã cung cấp trang thiết bị chống bạo loạn, cử quan chức cảnh sát đến hỗ trợ đào tạo nhân viên cảnh sát địa phương, động thái khiến Mỹ phải để mắt tới.
Mọi hợp tác giữa Trung Quốc và Solomon là điều bình thường trong quan hệ quốc tế nhưng lại khiến các nước trong khu vực, nhất là Australia và New Zealand quan ngại. Ngày 24-3, Bộ trưởng Nội vụ Australia - Karen Andrews tuyên bố Thái Bình Dương là “sân sau” của Australia và Canberra “rất quan tâm đến bất cứ hoạt động này xảy ra ở các đảo Thái Bình Dương”. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton cũng cho biết ông cảm thấy lo ngại đối với bất kỳ căn cứ quân sự nào mà Trung Quốc xây dựng trong phạm vi cách bờ biển Australia chưa đến 2.000 km. Ông Dutton cũng cảnh báo các quốc đảo Thái Bình Dương cần nhìn nhận thực tế sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, trong khu vực. Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand - Jacinda Ardern, người luôn có chính sách tương đối thực dụng với Trung Quốc, vào ngày 28-3 vừa qua cũng tuyên bố đây là một động thái “quân sự hóa khu vực tiềm tàng”. Cách đó một ngày, New Zealand và Fiji ký tuyên bố đối tác hợp tác, hợp tác chặt chẽ hơn trên các lĩnh vực an ninh, bảo vệ lợi ích chung, sức bền kinh tế…, động thái được giới quan sát cho là để củng cố “sân sau” của Wellington.
Hợp tác song phương như vậy đúng ra là vì lợi ích của hai bên nhưng lại gây ra quan ngại về an ninh cho những nước láng giềng. Quan hệ gữa Trung Quốc với Australia ngày càng căng thẳng do cạnh tranh địa chính trị, và khả năng cải thiện ngày càng mờ mịt. Việc Trung Quốc tăng cường tham gia lĩnh vực an ninh tại Nam Thái Bình Dương chắc chắn sẽ kích động những mâu thuẫn sâu sắc hơn giữa Trung Quốc và Australia. Diễn biến này báo hiệu khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có nguy cơ trở thành bàn cờ đọ sức nước lớn, và nếu các nước trong khu vực thiếu cẩn trọng, họ khó tránh khỏi việc trở thành con tốt trong cuộc đối đầu giữa các cường quốc. Bài học xung đột ở Ukraine vẫn còn nguyên tính thời sự.
Thanh Huyền