Cây có gốc, nước có nguồn, chim tìm tổ, người tìm tông. Cứ đến ngày 10-3 âm lịch hằng năm, người dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài cùng hướng về đất Tổ. Giỗ Tổ Hùng Vương từ lâu đã trở thành ngày giỗ trọng đại của cả dân tộc Việt Nam, in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày Giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất cội nguồn - xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Nơi đây là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam, là nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng, biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Từ bao đời nay, câu ca dao quen thuộc vang mãi trong tâm khảm của mỗi người con đất Việt:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng Ba.

Người Việt Nam vốn có truyền thống, đạo lý sâu sắc về cách ứng xử với các bậc tiền nhân, với thế hệ đi trước bằng triết lý: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”… Chính vì vậy mà các thế hệ nối tiếp nhau luôn tôn kính và biết ơn những người đã có công khai sinh ra đất nước, dân tộc; biết ơn Tổ tiên, gia đình và dòng họ. Từ truyền thống, đạo lý đó đã phát triển thành một hệ ý thức văn hóa tinh thần của tín ngưỡng dân tộc độc đáo đó là tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của mỗi dòng họ và thờ cúng Tổ tiên chung của cả dân tộc: Tín ngưỡng thờ tự các Vua Hùng - những người đã có công tạo dựng cơ đồ Việt Nam ngày nay.

Lễ hội Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hằng năm vào ngày 10-3 âm lịch, bắt nguồn từ thời đại Hùng Vương dựng nước, là thời kỳ lịch sử trong tiến trình dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Sự ra đời và tồn tại lâu dài của Lễ hội Đền Hùng cùng với tín ngưỡng Giỗ Tổ Hùng Vương khẳng định niềm tin đối với các thế hệ cha ông đi trước đã đổ biết bao công sức và xương máu để dựng nước và giữ nước. Chính từ ý nghĩa tâm linh và thiêng liêng ấy mà Lễ hội Đền Hùng đã trường tồn với thời gian, trường tồn cùng lịch sử dân tộc trong suốt mấy nghìn năm.

Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng xuất phát từ đạo lý, truyền thống của dân tộc Việt Nam vốn giàu lòng yêu nước và truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất chống ngoại xâm, nhưng cũng rất thủy chung, có trước có sau, nhân hậu luôn luôn biết ơn người đi trước. Lễ hội Đền Hùng đã trở thành động lực tinh thần của dân tộc Việt Nam.

Năm 1943, đại diệnMặt trận Việt Minh đã treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên gác chuông Đền Hùng để tuyên truyền cách mạng kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh đổ Nhật - Pháp, để cứu nước, trước đông đảo quần chúng về dự Lễ hội. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 1946, Chính phủ cử Đoàn đại biểu do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng cùng các ông Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa… về dự Giỗ Tổ và dâng tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm nhằm kính cáo với Tổ tiên về họa đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an; thiên hạ thái bình, thịnh trị; cùng nhau đoàn kết đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ của đất nước. Ngày 19-9-1954, trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ và căn dặn các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong tại Đền Hùng với câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”…

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, mỗi người dân Việt Nam về Đền Hùng thành kính thắp nén tâm nhang tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, thể hiện tâm lý “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn”. Dân tộc Việt Nam cùng một bọc mẹ sinh ra, luôn đoàn kết gắn bó, chặt chẽ,;dân tộc Việt Nam cùng một dòng máu Lạc Hồng được bảo tồn và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác - đó là bản sắc văn hóa độc đáo, rất riêng của dân tộc Việt Nam.

Ngày 2-4-2007, Quốc hội thông qua luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động, cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10-3 âm lịch hằng năm đã trở thành ngày lễ lớn - Quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Kỳ họp thứ 7 của tổ chức UNESCO, ngày 6-12-2012, chính thức thông qua đề cử và vinh danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với dân tộc Việt Nam trong việc tôn vinh giá trị đại diện toàn cầu của tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng - ông Tổ chung của dân tộc trước nhân loại, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta…

Thời đại Hùng Vương mở đầu cho sự phát triển rực rỡ của dân tộc Việt Nam. Chúng ta nguyện mãi mãi giữ gìn và phát huy những giá trị thiêng liêng của tổ tiên, thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Trương Thọ (tổng hợp)