Bộ Tài chính cho biết trong 30 ngày vừa qua, giá dầu thế giới giảm đáng kể và chỉ còn trên dưới 129 USD mỗi thùng dầu thành phẩm và 119,2 USD mỗi thùng xăng thành phẩm. Các nhà nhập khẩu không còn lỗ mà bắt đầu có lãi.

Trong đó, với doanh nghiệp nhập khẩu số lượng nhiều, còn hàng tồn trong kho từ trước có mức lãi ít nhất đối với mỗi lít xăng A92 là 100-200 đồng và 700-900 đồng mỗi lít dầu diezel. Còn những đơn vị nhập hàng trong những ngày gần đây thì mức lãi cao hơn, có thể lên tới trên dưới 1.000 đồng mỗi lít dầu và khoảng 500 đồng mỗi lít xăng.

Trước bối cảnh như vậy, Bộ Tài chính đã đề xuất phương án điều hành giá bán lẻ xăng dầu trên cơ sở cân đối lợi ích giữa 3 đối tượng doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng. Một phương án được Bộ Tài chính đưa ra là tái áp thuế nhập khẩu để tăng thu ngân sách Nhà nước. Thời gian qua, do giá thế giới tăng cao, gây áp lực giá bán lẻ trong nước, thuế nhập khẩu đã giảm về mức 0% để hỗ trợ doanh nghiệp. Đợt giảm thuế này đã khiến ngân sách Nhà nước thất thu hàng nghìn tỷ đồng.

Phương án thứ 2 cơ quan này tính đến là tăng mức trích quỹ bình ổn giá để phòng bị trước diễn biến phức tạp của thị trường. Quỹ bình ổn giá lâu nay được hình thành từ sự đóng góp của người tiêu dùng cho mỗi lít xăng dầu vào khoảng 300-500 đồng và được đặt tại chính doanh nghiệp. Khi thị trường xăng dầu có đột biến, doanh nghiệp được trích quỹ ra để bình ổn giá. Trong trường hợp quỹ bình ổn cạn, nhà nhập khẩu mới được phép tăng giá bán lẻ.

Hai phương án còn lại là giảm giá bán lẻ hoặc vừa tái áp thuế nhập khẩu vừa tăng mức trích quỹ bình ổn. Đây cũng là hai phương án Bộ Tài chính cho rằng cân đối được lợi ích các bên hơn cả.

Quỳnh Anh (TH)