Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ca mắc SARS-CoV-2.  

 Việt Nam ghi nhận thêm 254 ca mắc mới; thêm 2 ca tử vong có bệnh nền; 12 người trốn cách ly tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã về lại nhà riêng ở quận Gò Vấp; Bắc Giang tiếp nhận 6 ca COVID-19 nặng đầu tiên; điều chuyển 10.000 liều vaccine phòng COVID-19 cho Bắc Giang... là những tin nổi bật trong ngày 5/6.

Trong ngày 5/6, Việt Nam ghi nhận thêm 254 ca mắc mới. Theo đó, Việt Nam có tổng cộng 6.990 ca ghi nhận trong nước và 1.551 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 5.420 ca.

Hiện có 15 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện là 1.590.699 mẫu cho 3.228.747 lượt người

Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với SARS-CoV-2 là 376 ca.

Thêm 2 ca COVID-19 tử vong có bệnh nền

Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vừa thông báo về ca tử vong số 52 và 53. Trong đó ca 52 là BN4369, nữ, 35 tuổi, có địa chỉ tại thành phố Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn).

Đây là bệnh nhân có tiền sử bị ung thư đại tràng giai đoạn 4, có di căn phổi đã điều trị hóa trị 5 đợt tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Bệnh nhân được phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 ngày 17/5, được chuyển tới Bệnh viện Đức Giang điều trị tích cực, nhưng bệnh nhân vẫn còn sốt cao, có biểu hiện suy hô hấp tiến triển.

Ngày 22/5, bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh điều trị với chẩn đoán: Viêm phổi do SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển, nhiễm nấm xâm lấn trên bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn cuối, di căn phổi.

Bệnh nhân tử vong đêm 4/6. Chẩn đoán tử vong: Sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2, biến chứng suy hô hấp tiến triển, nhiễm nấm xâm lấn trên bệnh ung thư đại tràng giai đoạn cuối, di căn phổi.

Ca tử vong thứ 53 là BN3018, nữ, 53 tuổi, có địa chỉ tại Bắc Yên, Sơn La. Bệnh nhân có tiền sử viêm đa rễ đa dây thần kinh.

Cách đây 2,5 tháng, bệnh nhân sốt liên tục, kèm theo tê bì tứ chi, bệnh nhân vào Bệnh viện Bạch Mai, được chẩn đoán viêm đa dây thần kinh ưu thế sợi trục.

Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn còn sốt, tê bì, yếu tứ chi tăng dần, được chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh vào ngày 1/4. Trong quá trình điều trị tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán sốt kéo dài, viêm phổi do Klebsiella, nhiễm nấm xâm lấn, theo dõi lupus ban đỏ hệ thống, thoát vị cột sống cổ, thắt lưng chén ép rễ thần kinh.

Đến ngày 5/5, bệnh nhân được xác định nhiễm SARS-CoV-2, sốt trở lại, suy hô hấp tăng dần, toan chuyển hoá và rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.

Bệnh nhân tử vong ngày 4/6/2021. Chẩn đoán tử vong: Sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nhiễm nấm Aspergilus phổi, tràn khí màng phổi, COVID-19 nặng trên bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, thắt lưng, viêm đa rễ dây thần kinh, lupus ban đỏ hệ thống.

12 người trốn cách ly tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã về lại nhà riêng ở quận Gò Vấp

Ngày 5/6, Trung tá Lê Minh Tuyên, Phó trưởng Công an huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đơn vị này đã phối hợp với Công an quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh xác minh, xác định nơi ở của 12 người trốn cách ly trước khi được đưa vào khu cách ly như thông báo của Công an tỉnh.

Theo đó, 12 người này có gia đình tại huyện Châu Đức, sau khi về thăm nhà đã khai báo y tế từ quận Gò Vấp về. Ngay sau đó chính quyền địa phương xác định những trường hợp này cần đưa đi cách ly tập trung theo quy định. Tuy nhiên, khi lực lượng y tế đưa xe đến nhà đón thì không thấy 12 người này. Ngay sau đó, công an huyện Châu Đức đã xác nhận những trường hợp này đã quay trở lại nhà riêng tại quận Gò Vấp.

Hiện các trường hợp này đã khai báo dịch tễ với cơ quan y tế nơi sinh sống, được Trung tâm y tế quận Gò Vấp lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.

Trước đó, như TTXVN ngày 4/6 thông tin, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có công văn hoả tốc gửi các phòng nghiệp vụ và công an các địa phương về việc kiểm tra, rà soát, truy tìm 12 trường hợp trốn cách ly tập trung trên địa bàn huyện Châu Đức.

Qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Châu Đức xác định, trên địa bàn huyện có 12 trường hợp trở về từ quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh đang trong quá trình chuẩn bị đưa vào khu cách ly y tế tập trung theo quyết định của UBND xã Nghĩa Thành và UBND xã Suối Rao thì bỏ trốn.

Được biết, 12 trường hợp này là người trong 3 gia đình sinh sống tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có 6 trẻ em.

Bộ Y tế hướng dẫn xử lý khi xảy ra các tình huống dịch tại khu công nghiệp

Bộ Y tế vừa ra Quyết định số 2787/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp.

Hướng dẫn này nhằm chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp để đảm bảo sản xuất an toàn và thực hiện mục tiêu kép; hạn chế tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội .

Hướng dẫn đã đưa ra cách xử lý trong các tình huống cụ thể như: Khi xuất hiện trường hợp mắc COVID-19 tại 1 cơ sở sản xuất kinh doanh, khi có ca bệnh tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh.

Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu khi xuất hiện ca bệnh tại 1 cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp cần kích hoạt ngay các phương án phòng, chống dịch như: Quyết định phong tỏa tạm thời toàn bộ cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp hoặc từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất, khu vực sản xuất, vị trí làm việc có trường hợp mắc bệnh (F0) trên cơ sở tình hình thực tế. Cách ly các trường hợp F0 tại chỗ và thông báo ngay cho cơ quan y tế để chuyển cách ly, điều trị và thực hiện khoanh vùng, khử khuẩn theo quy định. Thông báo cho toàn thể người lao động đang có mặt tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp; yêu cầu người lao động nghiêm túc khai báo y tế, thực hiện nguyên tắc 5K, phân xưởng nào ở yên phân xưởng đó; không để xảy ra hoang mang, lo lắng với người lao động.

Các khu công nghiệp cũng rà soát toàn bộ người lao động trong cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp theo danh sách quản lý; khẩn trương truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần (F1), các trường hợp tiếp xúc với F1 (F2), tuyệt đối không để bỏ sót; thực hiện cách ly tập trung với tất cả các trường hợp F1 và cách ly tại nhà, nơi lưu trú với các trường hợp F2. Trước khi đưa các trường hợp F1 đi cách ly tập trung, thực hiện phân nhóm theo vị trí làm việc và nguy cơ tiếp xúc để bố trí cách ly y tế trong cùng khu với những trường hợp có cùng vị trí làm việc và nguy cơ tiếp xúc.

Các đơn vị lập danh sách người lao động là F1, F2, các trường hợp khác không có mặt tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp tại thời điểm phong tỏa và gửi cho Sở Y tế, Trung tâm y tế cấp huyện nơi người lao động đang lưu trú để xử trí theo quy định; đồng thời phối hợp với cơ quan y tế thông báo cho các đối tượng này ở yên tại nhà/nơi lưu trú, khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp cũng phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho những người lao động theo nguy cơ. Đánh giá mối liên quan dịch tễ của các phân xưởng, dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất, khu vực sản xuất, vị trí làm việc khác với khu vực có F0...

Đặc biệt, khi có kết quả xét nghiệm của ca bệnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp có các phương án xử lý tình huống tiếp theo như:

Trung tâm hồi sức tích cực Bắc Giang tiếp nhận 6 ca COVID-19 nặng đầu tiên

TS.BS Nguyễn Thanh Xuân, đội chi viện Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: Trong chiều 5/6, đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Đà Nẵng trực tiếp tiếp nhận và theo dõi các bệnh nhân chuyển đến.

Tính đến 16 giờ cùng ngày, Trung tâm ICU đã tiếp nhận 3 ca bệnh nặng được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang gồm: Một bệnh nhân nam 36 tuổi, dương tính SARS-CoV-2 từ 25/5; bệnh nhân nam 32 tuổi, được phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 ngày 28/5 và bệnh nhân nữ 41 tuổi. Tất cả đều là công nhân các khu công nghiệp Bắc Giang.

Dự kiến, trong tối 5/6, Trung tâm ICU này sẽ tiếp nhận thêm 3 ca bệnh nặng cũng được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Hiện tại, Trung tâm ICU được bố trí chia thành 5 ca làm việc, mỗi ca có 7 bác sĩ, hơn 10 điều dưỡng để theo dõi, điều trị các trường hợp được chuyển tới, mỗi ca làm việc 6 giờ, riêng bác sĩ làm 12 giờ/ca.

Trung tâm ICU đặt tại Bệnh viện Tâm thần là trung tâm lớn nhất miền Bắc với quy mô 101 giường điều trị. Tính đến chiều 5/6, các bệnh nhân được chuyển đến đều đang nằm điều trị tại tầng 1, nơi có đầy đủ oxy, khí nén và hệ thống hút trung tâm.

Hiện đội ngũ y, bác sĩ và các đơn vị hỗ trợ khác đang rất khẩn trương chuẩn bị tiếp nhận ca nặng trong thời gian tới. Với số lượng giường bệnh lớn, trung tâm sẽ có nhiều nhân lực về hồi sức cấp cứu là các y, bác sĩ đến từ Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Hữu nghị và khối Bệnh viện tư nhân Hà Nội (Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Thu Cúc, Bệnh viện Việt- Pháp...).

Bắc Giang: Thực hiện cách ly y tế tại nhà đối với trẻ em dưới 5 tuổi

Ngày 5/6, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã ký ban hành công văn khẩn gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang về việc điều chỉnh cách ly y tế cho trẻ em dưới 15 tuổi tại trên toàn tỉnh.

Công văn nêu rõ, trong thời gian qua, dịch COVID-19 xuất hiện tại nhiều địa bàn của tỉnh Bắc Giang, nhiều trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh được yêu cầu bắt buộc thực hiện cách ly y tế tập trung, trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em dưới 15 tuổi.

Để tiếp tục chủ động công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời đảm bảo điều kiện sinh hoạt an toàn, thuận lợi cho trẻ em trong thời gian thực hiện cách ly y tế, giảm tải các cơ sở cách ly cũng như phòng lây nhiễm chéo cho trẻ em, Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện cách ly y tế cho trẻ em dưới 15 tuổi theo các nội dung quy định tại Công văn số 897/BYT-MT ngày 7/2/2021 về việc hướng dẫn cách ly y tế cho trẻ em dưới 15 tuổi.

Cụ thể, thời gian cách ly y tế cho trẻ em dưới 15 tuổi là 21 ngày. Đối với trẻ dưới 5 tuổi, thực hiện cách ly y tế tại nhà riêng khi đảm bảo đủ các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Trường hợp trẻ từ 5 tuổi đến 15 tuổi, thực hiện cách ly y tế tập trung trong 7 ngày. Sau khi có kết quả xét nghiệm ba lần âm tính với SARS-COV-2 (lần một khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần hai vào ngày thứ 3 và lần ba vào ngày thứ 7), cho phép thực hiện cách ly y tế tại nhà riêng khi đảm bảo đủ các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Điều chuyển 10.000 liều vaccine phòng COVID-19 cho Bắc Giang

Ngày 5/6, Bộ Y tế đã có Quyết định 2789/QĐ-BYT về việc điều chỉnh phân bổ vaccine phòng COVID-19 đợt 3. Theo đó, Bộ điều chuyển tạm thời 10.000 liều trong số vaccine AstraZeneca phân bổ tới Bệnh viện Bạch Mai cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang.

Lượng vaccine này đang được bảo quản tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Vaccine sẽ được tiêm cho các đối tượng theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ và công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bệnh viện Bạch Mai sẽ được bổ sung số vaccine điều chuyển này trong các đợt phân bổ gần nhất.

Bộ Y tế yêu cầu Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương điều chuyển số vaccine nêu trên cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang để triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định.

TP Hồ Chí Minh: 10 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 đợt 3

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine đợt 3 cho 10 nhóm đối tượng được ưu tiên, với số lượng gần 72.000 người.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, dựa trên số lượng vaccine được phân bố về cho Thành phố và dựa vào đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại Thành phố, những nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine trong đợt này là những đối tượng được đánh giá có nguy cơ mắc COVID-19 cao.

TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tiêm vaccine mũi 2 cho người đã được tiêm vaccine mũi 1 nếu đủ điều kiện với số lượng dự kiến là 54.591 người. Đồng thời sẽ tiêm vaccine mũi 1 cho 17.209 người.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, những nhóm sẽ được tiêm vaccine lần này là nhóm người làm việc tại các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập trên địa bàn thành phố; nhóm người làm việc trực tiếp tham gia tổ chức cách ly như nhân viên, người làm việc tại khách sạn trực tiếp tổ chức cách ly; nhân viên, người làm việc tại các khu cách ly mới triển khai của thành phố.

Nhóm người cung cấp dịch vụ thiết yếu gồm nhân viên làm việc tại sân bay (người trực tiếp tiếp xúc với tổ bay, hành khách, hàng hóa, máy bay quốc tế, nhân viên phục vụ, làm việc trong các cửa hàng tại nhà ga); nhóm người làm việc tại cảng biển (người trực tiếp tiếp xúc với thuyền viên, hàng hóa, tàu thuyền); nhóm sinh viên của các trường y tình nguyện hỗ trợ; ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp (thành phố, quận, huyện, phường, xã, thị trấn) và nhóm bệnh nhân có bệnh lý nền đang điều trị nội trú dưới 65 tuổi (bệnh thận mãn tính, đái tháo đường...).

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, do quy cách đóng gói của nhà sản xuất, số liều vaccine thực tế có thể nhiều hơn số liều vaccine nêu trên khoảng 10% và số dư này sẽ được tiêm cho tổ COVID cộng đồng.

Cũng theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thời gian tổ chức tiêm mũi 1 từ ngày 3/6 đến ngày 10/6; tổ chức tiêm mũi 2 cho toàn bộ những người đã tiêm mũi 1 đảm bảo đúng khoảng cách sau 8 tuần kể từ ngày khi tiêm mũi 1, thời gian từ 10/6 đến ngày 10/7 và hoàn thành tiêm vét trước ngày 15/8 theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Ủng hộ Quỹ vaccine, doanh nghiệp được tính vào chi phí khi tính thuế

Các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện cho Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam theo Nghị định số 44/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Đó là một trong những nội dung của Thông tư số 41/2021/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành về hướng dẫn tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 2/6.

Theo đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu kinh phí để mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chi từ Quỹ.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, sử dụng số tiền được cấp từ Quỹ để mua, nhập khẩu vaccine, tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; quản lý, sử dụng vaccine đã mua, nhập khẩu và vaccine đã tiếp nhận từ các nhà tài trợ.

Để công khai, minh bạch nguồn Quỹ, Thông tư đã quy định về báo cáo tài chính Quỹ; cuối kỳ kế toán (tháng, 6 tháng, năm); phải lập và gửi báo cáo tài chính cho Bộ Tài chính. Bộ Tài chính có trách nhiệm định kỳ 6 tháng tổng hợp báo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thu, chi tài chính Quỹ. Căn cứ báo cáo quyết toán của Quỹ, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để tổng hợp chung nguồn lực báo cáo Quốc hội trong các báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước.

Việc công khai của Quỹ được thực hiện qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và một hoặc một số hình thức: công bố tại các cuộc họp, niêm yết tại trụ sở của Quỹ, phát hành ấn phẩm, thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến nhu cầu cả nước cần mua 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng.

Hải Yên/Báo Tin tức