Vỉa hè đường Nguyễn Trãi bị chiếm dụng thành nơi để xe, buôn bán.

Ban Chỉ đạo 197 T.P Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn, năm 2023. Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra toàn diện về những nội dung trên trong phạm vi toàn thành phố; phát hiện, xử lý tất cả các hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng để tạo tính răn đe.

Ngang nghiên lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để kinh doanh diễn ra ở nhiều tuyến phố Thủ đô. Việc này không những gây mất trật tự đô thị, ảnh hưởng mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong khi đó, việc chấn chỉnh tình trạng này chưa được như mong muốn của người dân và chính quyền các cấp. Theo ghi nhận của phóng viên Báo CCB Việt Nam, mỗi năm, Hà Nội đều có các đợt ra quân. Thế nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, tình trạng lấn chiếm vỉa hè lại như cũ.

Vỉa hè nhiều tuyến phố trung tâm như Tạ Hiện, Hàng Nón, Hàng Mã, Hàng Ngang bị chiếm dụng để kinh doanh, đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Tại phố Hàng Cót (quận Hoàn Kiếm), các quán nướng, trà chanh đua nhau lấn chiếm từng mét vuông vỉa hè để xếp bàn ghế “xí chỗ” khiến nhiều người qua đường bức xúc. Theo người dân ở phố cổ, việc mất vỉa hè đã trở thành vấn đề nổi cộm, mãi không giải quyết được. “Dẹp lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường có khó đến mức không làm được? Nếu áp dụng xử phạt mạnh, quyết liệt làm thì còn ai dám lấn chiếm? Tôi nghĩ trách nhiệm trước hết thuộc những người đứng đầu cấp phường sở tại, quan trọng là có thực sự muốn giành lại vỉa hè không” - anh Nguyễn Văn Chiến (quận Hoàn Kiếm) nói.

Tại các khu vực xa trung tâm, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để làm nơi đỗ xe, kinh doanh cũng thường xuyên diễn ra. Phố Chùa Bộc (quận Đống Đa) là tuyến phố có nhiều cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm, quần áo thời trang. Cứ vào dịp cuối tuần, số lượng người đến đây mua hàng luôn tấp nập. Vỉa hè bị chiếm dụng thành nơi để xe máy khiến người đi bộ phải tràn xuống vỉa hè, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Dọc tuyến đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), không khó để bắt gặp hình ảnh những hàng quán, cơ sở kinh doanh lấn chiếm vỉa hè làm của riêng. Mặc dù UBND phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) có biểm cấm, nhưng các cửa hàng vẫn để xe tràn xuống lòng đường Nguyễn Trãi, đoạn ngã ba nối với phố Lương Thế Vinh. Tuyến đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy) dài khoảng 400m nhưng có tới hàng trăm cơ sở kinh doanh chiếm dụng vỉa hè thành nơi để xe, hay mở rộng mặt bằng kinh doanh. Hầu hết người đi bộ qua con phố này đều phải đi xuống lòng đường. Nhiều đoạn vỉa hè trên đường Xuân Thuỷ (quận Cầu Giấy) bị các cửa hàng kinh doanh ăn uống chiếm dụng. Họ không những chiếm vỉa hè trước cửa nhà mà còn kê bàn ghế, xếp xe cho khách tràn ra khu vực xung quanh khiến người đi bộ bức xúc vì đi lại rất khó khăn.

Quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ

Ban Chỉ đạo 197 T.P Hà Nội (Ban Chỉ đạo đấu tranh trấn áp các loại tội phạm và trật tự đô thị) vừa ban hành Kế hoạch số 01 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn Hà Nội năm 2023. Trong kế hoạch, Ban Chỉ đạo yêu cầu triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về vấn đề này, nhất là tại 12 quận nội thành. Yêu cầu xử lý 100% các hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng để tạo tính răn đe; trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm lấy lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ, tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi".

Ở giai đoạn 1, kể từ khi triển khai kế hoạch đến hết ngày 28-2, thành phố yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định; ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng hè phố, lòng đường.

Giai đoạn 2, từ ngày 1 đến 31-3, các thành viên Ban Chỉ đạo đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực phụ trách. Trong đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu Sở GTVT Hà Nội tổ chức rà soát, xử lý các điểm đen về giao thông; xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông; đảm bảo an ninh trật tự trên các tuyến vận tải hành khách, bến xe, bệnh viện, trường học; giải quyết triệt để tình trạng xe "dù", bến "cóc". Tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự đô thị, trật tự công cộng, không để tái diễn, trong đó tăng cường xử lý hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện sai quy định…

Sở VH-TT chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo; giải quyết tình trạng buôn bán hàng rong, "cò mồi" đeo bám khách du lịch… Công an thành phố tăng cường xử lý theo hình thức phạt nguội đối với các chủ phương tiện đỗ xe không đúng nơi quy định; duy trì tuần tra, giải quyết triệt để tình trạng hàng quán kinh doanh quá giờ, tập trung xử lý vi phạm tại các tuyến, địa bàn trọng điểm… Các cơ quan, địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm theo hình thức cuốn chiếu, không bỏ sót vi phạm; kiên quyết cưỡng chế các trường hợp chống đối.

Giai đoạn 3, từ ngày tháng 4 đến 11, các lực lượng, đơn vị tiếp tục thực hiện, duy trì các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kiên quyết không để vi phạm tái diễn.

Trước đó, tháng 3-2017, lực lượng chức năng cấp quận, phường đồng loạt ra quân đảm bảo trật tự giao thông, đô thị, xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, sau đó chiến dịch lấy lại vỉa hè cho người đi bộ ở Hà Nội đã thất bại. Sự thông thoáng của vỉa hè sau các cuộc xử lý không tồn tại được lâu vì hàng quán, bãi đỗ xe… tiếp tục bủa vây, bít hết lối dành cho người đi bộ.

Võ Hóa