Những dãy nhà phố liền kế nằm đợi giao dịch ở T.P Đà Nẵng.

Tập đoàn Sun Group vừa khởi động thêm dự án căn hộ cao cấp ven sông Hàn, với nhận định đánh dấu hoạt động đầu tư bất động sản sẽ từng bước trở lại sôi động ở thành phố này. Với thông tin chính quyền T.P Đà Nẵng ráo riết thúc đẩy hàng chục dự án đầu tư công, thu hút nhiều doanh nghiệp FDI vào địa bàn, câu chuyện thị trường địa ốc Đà Nẵng chững lại thời gian qua sẽ có “bước ngoặc”?

Tái khởi hoạt động thị trường…

Tại lễ giới thiệu dự án Sun Ponte Residence ngày 13-4-2024, đại diện Sun Group cho rằng, khu tháp đôi và khối cao ốc đến 26 tầng của dự án này hứa hẹn sẽ là biểu tượng mới cho một phần T.P Đà Nẵng năng động tương lai. Án ngữ ngay vị trí đẹp đầu cầu Trần Thị Lý và tiện đường kết nối ra biển, dự án kỳ vọng sẽ là lựa chọn đầu tư mới về các căn hộ cao cấp, nhà phố liền kế…

Từ sự kiện này, một chuyên gia tư vấn địa ốc nhìn nhận, không phải ngẫu nhiên Sun Group gọi tên lễ giới thiệu dự án mới là sự kiện “Cầu trên không - sông ánh sáng”. “Có vẻ chủ đầu tư tin tưởng sẽ đánh động thị trường, thu hút đầu tư bằng dấu ấn độc đáo, đặc sắc về kiến trúc các khối nhà cao tầng và không gian bố trí. Mục tiêu sự kiện vì thế rất dễ thấy, là khởi động dự án để chào bán suất đầu tư” - vị chuyên gia này cho hay.

Theo giới phân tích về bất động sản, đây không phải sự kiện cá biệt. Nhìn lại Đà Nẵng hơn 2 tháng qua, dư luận có thể thấy nhiều thông tin dự án hạ tầng đô thị, dự án nhà ở thị trường kích hoạt trở lại. Các nhà đầu tư FPT, Sun Group… lần lượt có động thái khởi động dự án, chào mời kế hoạch đầu tư mới vào thị trường Đà Nẵng. Tập đoàn dịch vụ bất động sản DKRA dự báo năm 2024, có khoảng 1.000 căn hộ trung và cao cấp được triển khai ở Đà Nẵng; các vùng “nóng” đất nền như Cẩm Lệ, Liên Chiểu, đều có thông tin các dự án xây dựng cao tầng đang triển khai trở lại…

Một thành viên Hiệp hội Môi giới bất động sản Đà Nẵng chia sẻ, thực tế sau mấy năm chững lại, thị trường nhà đất thành phố đang trở thành một “điểm nóng” phải tháo gỡ. Có nhiều dự án giá trị “khủng” đã “bất động” nhiều năm qua, đến nay càng bức xúc phải tìm cách nhằm giảm áp lực nguồn vốn ứ đọng cho nhà đầu tư. Do đó, khó tránh khỏi hiện tượng “nhà nhà rao dự án, người người bán đầu tư” đang diễn tiến ở thị trường địa ốc thành phố này và phụ cận.

Ngay chính quyền thành phố cũng nhận diện rõ nguy cơ “tụt hậu” đầu tư nếu cứ tiếp tục để thị trường nhà đất địa phương “đóng băng”, cản trở các dự án thu hút đầu tư vào địa bàn từ lý do “thiếu mặt bằng”; nên rất rốt ráo chỉ đạo đẩy nhanh các dự án đầu tư công. Chỉ tính 3 tháng đầu năm 2024, T.P Đà Nẵng đã giải ngân hơn 3.000 tỷ đồng trong tổng số vốn 8.800 tỷ đồng đầu tư công năm 2024, để thúc đẩy 23 công trình, dự án có tác động lớn đến hạ tầng đô thị và giao thông địa phương. Lãnh đạo thành phố hy vọng các dự án đầu tư công sẽ mở cơ hội xúc tiến triển khai cho hàng loạt dự án đầu tư bởi các nguồn lực xã hội khác nhau, nhất là thu hút nhiều “cá mập” quan tâm vào môi trường đô thị cùng cơ hội địa ốc giá trị tại Đà Nẵng.

3 áp lực thu hút đầu tư?

Cũng cần phải phân tích thêm, đối diện những dấu hiệu sôi nổi về đầu tư, tái động thị trường, đa số nhà tư vấn vẫn giữ thái độ dè dặt với thị phần địa ốc T.P Đà Nẵng. “Năm 2024 vẫn chưa là thời điểm mạnh mẽ để nhà đất Đà Nẵng tăng trưởng lại, có chăng chỉ là sự chuẩn bị, đánh dấu và đón đầu tình hình thôi” - thành viên Hiệp hội Môi giới Đà Nẵng nhận xét như vậy.

Theo thành viên này, với kinh nghiệm hơn 20 năm với thị trường Đà Nẵng và khu vực, hiện tượng “sốt đất” diễn ra theo từng phân kỳ đầu tư những năm qua đều liên quan 3 áp lực mà địa phương đang có. Nên nếu có thể giải quyết 3 áp lực này, thị trường sẽ chuyển biến tích cực.

Thứ nhất, trong khi các chủ dự án đầu tư như Sun Group mời cơ hội đầu tư vào những dự án cao ốc, nhà phố liền kế, thì thị trường nhà đất Đà Nẵng đang đối mặt hiện trạng nhà xây sẵn dư thừa. Nhất là phân khúc nhà ở cao và trung cấp, địa bàn đang có hàng loạt khu vực nhà ở phố thị, phố thương mại “bỏ hoang” vì không có người mua. Điều này cho thấy, sau một thời gian dài ồ ạt đầu tư vào mảng nhà đất dự án phân lô, phân khúc, giá sang nhượng nhà ở Đà Nẵng vượt xa năng lực đầu tư tài chính và tích lũy thực tế. Hệ lụy là người mua không dám tiếp cận các dự án nhà ở xây sẵn nữa. Các chủ đầu tư phải nên cân đối lại chiến lược đầu tư và thương mại, cân đối đúng giá bán và lợi ích thu hoạch của cư dân ở trong các dự án mới có thể thuyết phục người mua.

Thứ hai, định hướng đầu tư mở rộng các dự án đô thị hóa cần được điều chỉnh, thay vì những chỉ số diện tích, số tầng… của các công trình, nhà ở, cần chuyển hướng đáp ứng nhu cầu sinh sống của cư dân với những hệ sinh thái cộng đồng dần dần hình thành, những tiện ích sinh hoạt, sinh kế và giải trí… Người mua nhà đất hôm nay không đơn thuần bị hấp dẫn vì lợi nhuận, mà quan tâm những tiện ích, cơ hội sinh sống trong nhà, môi trường sinh hoạt ra ngoài. Những hạng mục đầu tư này không thể vẽ vời bằng ý tưởng rồi thực thi nửa vời nữa; càng là dự án muốn nhận được đầu tư càng phải chân thực, rõ ràng.

Thứ ba, Đà Nẵng là thành phố đã chịu sự tác động tăng giá trị của các thương hiệu nổi tiếng suốt thời gian dài, trong khi thực tế cuộc sống chỉ đơn giản, bình dân. Do đó, các dự án càng có tên gọi bề thế, giá trị cao càng khó hấp dẫn nhà đầu tư trực tiếp. Hơn nữa, giữa phân khúc đất nền và nhà xây sẵn, người dân địa phương vẫn quan tâm đất nền hơn. Cho nên, cơ hội mời chào đầu tư từ các dự án cần đi thẳng vào nhu cầu người mua, xác định rõ giao dịch mua nhà để ở, hay mua nhà để đầu cơ cơ hội, mới có thể thuyết phục thành công.

Sỹ Bảo