Tổng thống Nga - Vladimir Putin trong cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Mỹ - Joe Biden, ngày 7-12-2021.

Ngày 12-12, Điện Kremlin cho biết: Tổng thống Nga - Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ - Joe Biden đồng ý tổ chức thêm các cuộc đàm phán trong tương lai và ông Putin cũng muốn gặp trực tiếp ông Biden. Tin tích cực chẳng kéo dài. Chỉ sau đó vài tiếng, Ngoại trưởng Mỹ - Anthony Blinken cho biết: Một cuộc gặp như vậy sẽ khó diễn ra. Quan hệ Nga - Mỹ vẫn chữa gỡ được những nút thắt để hạ nhiệt chứ chưa nói đến việc trở lại trạng thái bình thường và dư luận đều mong chờ hai cường quốc có sự thoả hiệp cần thiết.

Người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov nói: Ông Putin không có cơ sở nào để lạc quan sau cuộc nói chuyện với ông Biden vì sự khác biệt nghiêm trọng giữa hai nước về cái mà Moscow gọi là "lằn ranh đỏ" mà họ không muốn phương Tây vượt qua. Cụ thể, theo ôngPeskov, trong cuộc hội đàm trực tuyến ngày 7-12, khi nhắc đến vấn đề Ukraine, ông Putin nói với ông Biden rằng quân đội Nga đang ở trên lãnh thổ Nga và không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ ai.

Nút thắt trong quan hệ Nga - Mỹ nổi lên ở ba điểm chính: Cuộc xung đột tại Ukraine;việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía Đông vàdự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2".

Dẫu bất đồng chưa được thu hẹp, cuộc hội đàm hôm 7-12 có thể được coi là cơ hội để phá băng quan hệ giữa hai cường quốc sau khi nguyên thủ của hai nước đã trực tiếp gặp nhau tại Geneva tháng 6 vừa qua.

Trong ba nút thắt trên, có thể gộp vấn đề NATO mở rộng về phía Đông và Ukraine thành một. Thực tế là, NATO đã tích cực triển khai quân sang phía Đông, ngày càng áp sát biên giới Nga. Do vậy, việc Nga điều động một lực lượng quân sự lớn ra sát biên giới với các nước, trong đó có Ukraine là điều dễ hiểu.

Ấy nhưng, trong khi mâu thuẫn về việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 vẫn kéo dài tới bây giờ thì những rắc rối ở Donbass, miền Đông Ukraine lại nổi lên như đổ thêm dầu vào lửa. Lực lượng ly khai thân Nga ở khu vực này là vấn đề gây bất ổn cho Ukraine khiến nước này cũng điều quân đội tới để đề phòng bất trắc. Việc Nga, NATO và Ukraine đều sử dụng đến quân đội để răn đe khiến Ukraine trở thành điểm nóng trên thế giới suốt một thời gian dài.

Với dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức qua biển Baltic, Mỹ rõ ràng chẳng ưa bởi khi Mỹ và phương Tây đang áp dụng các đòn trừng phạt kinh tế với Nga thì dự án này lại mang lại lợi nhuận khổng lồ cho Moscow. Thế nên, Mỹ và phương Tây gia tăng sức ép với Đức, dù biết rằng quốc gia này được hưởng lợi rất nhiều từ dự án, để trì hoãn việc vận chuyển khí đốt dù đường ống đã hoàn thành.

         Dù là nút thắt nào, chặt đến bao nhiêu thì việc gỡ nút thắt cũng chưa giải quyết được cái gốc của vấn đề. Mấu chốt ở đây là Nga và Mỹ là hai cường quốc và Mỹ chẳng muốn Nga phát triển mạnh hơn nữa. Điều này đã được nêu trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ khi Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên được Mỹ điểm danh.

Do vậy, điều cần thiết là khi hai bên không ưa nhau, họ nên có cách để nhượng bộ thay vì dùng đến “cơ bắp” quân sự. Tin tốt lành là Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ cử Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Vụ các vấn đề châu Âu và Á-Âu tới Nga và Ukraine để thảo luận về tình hình Ukraine, nhấn mạnh triển vọng tiến triển về mặt ngoại giao thông qua việc thực thi các thỏa thuận Minsk.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các bên “có thể đạt được tiến triển về mặt ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột tại Donbass thông qua việc thực thi các thỏa thuận Minsk, ủng hộ định dạng Normandy”. Trong khi đó, bên lề Hội nghị ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang diễn ra tại Anh, Ngoại trưởng Đức - Annalena Baerbock tuyên bố: G7 đã thống nhất rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan tới tình hình Ukraine, các bên cần trở lại bàn đàm phán.

         Căng thẳng giữa Nga với Mỹ và châu Âu về vấn đề Ukraine là hiện hữu, khó giải quyết. Thế nhưng, theo quan điểm và hành động của hai bên, kể cả đồng minh của Mỹ ở châu Âu, có thể đã có sự nhượng bộ khi các cuộc đàm phán cấp cao liên tục diễn ra. Sự nhượng bộ của các bên nên có càng sớm càng tốt.

Thanh Huyền