Cùng với các đối tượng chính sách Người có công, hội viên CCB cũng là một trong những người được một số tổ chức quan tâm tặng quà nhân dịp các ngày lễ trọng đại của đất nước, như Tết Nguyên đán, ngày lễ chiến thắng 30-4, ngày thành lập QĐND Việt Nam… nhằm tri ân công lao của các bác, các anh, các chị, những người đã có cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đó là nét đẹp văn hóa, là những việc làm đầy ý nghĩa mang tính nhân văn đáng được trân trọng.

Nhưng câu chuyện mà tôi muốn nói đến sau đây, cũng là tặng quà nhưng lại mang tính trục lợi của một số công ty. Ví dụ như: Việc tặng quà cho các hội viên CCB khi đến chụp ảnh, sau đó họ mồi chài, tán tỉnh để in ảnh lớn, giá cả cao hơn gấp nhiều lần giá trị thực hoặc tặng quà cho ai đến nghe giới thiệu về một sản phẩm nào đó, mà sản phẩm đó thì chưa ai biết được mức độ kiểm chứng, đánh giá về chất lượng ra sao, tác dụng của nó đến đâu?; nhưng giá cả thì đắt hơn gấp nhiều lần. Hiện tượng này có lẽ không hiếm trong đời sống thường nhật của chúng ta, thật sự như những “ma trận” không biết đằng nào mà lần.

Gần đây, Hội CCB chúng tôi đã tiếp vị đại diện một công ty đến làm việc kèm theo công văn của Hội cấp trên, giới thiệu là người đại diện cho công ty. Mở đầu câu chuyện, vị đại diện trình bày mục đích, lý do, đại ý là nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, Công ty chúng cháu gọi là có chút quà tri ân tặng các bác, các chú hội viên CCB địa phương mình, mỗi suất quà trị giá khoảng 50.000 đồng; các bác, các chú cứ mời hội viên ra các Nhà văn hóa thôn để nhận quà của Công ty (không tập trung một chỗ vì đông người?). Tôi hỏi thế Công ty cháu tặng bao nhiêu suất quà?, vị đại diện công ty trả lời luôn: Bác mời ra bao nhiêu cũng được, chúng cháu sẽ tặng quà cho mọi người có mặt ạ!

Tôi nhẩm tính, nếu khoảng 70% số hội viên dự hội nghị do họ tổ chức thì tổng giá trị quà lên đến hàng chục triệu đồng chứ không phải là ít, thế mà Công ty tặng cho thì tốt quá. Nhưng để cho chắc chắn, tôi hỏi thêm về điều kiện được nhận quà, nhân viên đó bảo không có điều kiện gì đâu bác ơi, thế các cháu có yêu cầu gì không? Không ạ! Chúng cháu chỉ giới thiệu về những mặt hàng chúng cháu tặng thôi, cháu cũng không cần các bác mua ngay, còn nếu bác nào, cô nào muốn mua thì chúng cháu sẽ tư vấn và đảm bảo đầy đủ  theo yêu cầu của các bác.

Vấn đề là ở chỗ đó!

Có ai dám chắc là với nghệ thuật chào hàng, những lời “tư vấn nhiệt tình” của những nhân viên công ty mà không có hội viên nào đặt mua những sản phẩm đó với giá cả của công ty này đưa ra không? Có thể không phải là ai cũng mua, nhưng chắc chắn sẽ có một số người mua; rồi hậu quả của nó ra sao thì ít người nghĩ đến, lúc đó lại cho rằng tại vì… tại vì, do thế nọ, thế kia, ai là người giải quyết, chung quy là tại Hội giới thiệu, tôi mới mua…

Hiện nay trên địa bàn, ở một số địa phương, các cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo để người dân nắm được nhiều chiêu trò lừa đảo qua điện thoại của kẻ xấu, nhiều người nhẹ dạ đã bị“sập bẫy”, bị mất tiền, rò rỉ, lộ lọt thông tin cá nhân, hậu quả không thể đong đếm được. Việc hứa hẹn tặng quà kèm theo phải dự hội nghị nghe giới thiệu và tư vấn mua sản phẩm, cũng là những “ma trận” mà nhiều người  trong đó có hội viên chúng ta cần phải cảnh giác.

Thiết nghĩ, trong những trường hợp này, Hội cấp trên cũng cần cân nhắc, thận trọng hơn khi giới thiệu những trường hợp tương tự, để ngăn ngừa từ xa, tạo sự đề kháng tốt nhất cho cấp cơ sở - nơi mà nhiều hội viên còn hạn chế về hiểu biết, để không bao giờ là nạn nhân của những “ma trận” ấy!

                                                                                               Phí Mạnh Cần