Nhờ nuôi tôm công nghệ cao, sản lượng tôm của anh Hoạt năm sau cao hơn năm trước, lợi nhuận tăng dần.

Với niềm đam mê nghề nuôi tôm, dù trải qua nhiều thất bại, nhưng CCB Nguyễn Văn Hoạt, xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) vẫn kiên trì theo đuổi nghề nuôi tôm. Chính nhờ sự kiên trì, tinh thần ham học hỏi, nay anh Hoạt thu lãi mỗi năm hàng tỷ đồng nhờ nuôi tôm công nghệ cao.

Thất bại là mẹ thành công

Quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, năm 1985, sau khi xuất ngũ anh Hoạt chuyển vào T.P Hồ Chí Minh sinh sống. Sau 7 năm bươn trải ở T.P Hồ Chí Minh đến năm 2000, anh Hoạt cùng vài người bạn đến xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu thuê 4ha đất nuôi tôm theo hình thức bán thâm canh, khi mới bắt đầu nuôi tôm do chưa rành về kỹ thuật nên thất bại, mất trắng khoảng 10 cây vàng.

CCB Nguyễn Văn Hoạt chia sẻ: “Thời điểm này tôi rất khó khăn, chỉ có hai bàn tay trắng, khi đi vay mượn thì không ai cho. Vào năm 2002 một người bạn cho tôi mượn 3 cây vàng để làm lại từ đầu, nhưng tôi chỉ nhận 1 cây vàng. Từ số vốn này, tôi tiếp tục đầu tư nuôi tôm và thu lãi 400 triệu đồng”.

Từ thành công bước đầu trong nghề nuôi tôm, năm 2005 anh Hoạt đã mua 2ha đất ở xã Hiệp Thành, T.P Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu để tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm; chủ yếu nuôi tôm bán thâm canh và quảng canh. Đến năm 2018, anh đã quyết định theo mô hình nuôi tôm công nghệ cao. “Thời điểm bắt đầu tôi nuôi thí điểm với diện tích 100m2 cho một doanh nghiệp, tuy chưa có kết quả cao nhưng tôi đã học được nhiều kiến thức. Và chỉ ở vụ sau đó, với 100m2 này tôi thu lãi 30 triệu đồng với mô hình nuôi tôm công nghệ cao” - anh Hoạt nhớ lại.

Thu nhập tiền tỷ từ nuôi tôm công nghệ cao

Ở những năm đầu nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, anh gặp nhiều khó khăn và lãi khá ít. Riêng ở vụ đầu tiên, chỉ lãi 1 tỷ đồng khi nuôi 4 ao trên diện tích 5.000m2. Từ đó, anh Hoạt mạnh dạn thay đổi quy trình sản xuất, cải tiến kỹ thuật trong nuôi tôm.

CCB Nguyễn Văn Hoạt chia sẻ: “Để thực hiện mô hình nuôi tôm công nghệ cao với cách nuôi tôm 3 giai đoạn, tôi đầu tư khoảng 4 tỷ đồng. Ban đầu chỉ đầu tư 4 ao thử nghiệm các năm tiếp theo mở rộng diện tích lên khoảng 10ha với 12 ao nuôi và thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật phương pháp xi phông sẽ loại bỏ chất thải ở đáy ao, hạn chế sử dụng trực tiếp hóa chất trong ao nuôi tôm, nâng cao năng suất tôm nuôi và có thể kéo dài thời gian nuôi để thu hoạch tôm vào thời điểm có giá bán cao nhất”.

Đặc biệt, khi áp dụng phương pháp này còn hạn chế được dịch bệnh, khi nuôi ít bị rủi ro. Trong 3 năm qua, sản lượng anh thu được 165 tấn, thu trên 14,8 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận trên 7 tỷ đồng. Riêng năm 2021, gia đình thu lãi khoảng 2,6 tỷ đồng từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

“Để thành công trong nuôi tôm thì nguồn vốn là yếu tố quyết định. Sau đó, việc áp dụng đúng khoa học kỹ thuật là quan trọng; trong đó, con giống quyết định 70% thành công, con giống phải tốt, sạch bệnh, môi trường nước ở ao nuôi phải đảm bảo vệ sinh để tránh rủi ro khi nuôi” - anh Hoạt bật mí.

Đồng chí Nguyễn Thanh Chí - Chủ tịch Hội CCB TP. Bạc Liêu, cho biết: “Với vai trò là thành viên CLB CCB sản xuất kinh doanh giỏi TP. Bạc Liêu, Giám đốc HTX nuôi tôm xã Hiệp Thành, CCB Nguyễn Văn Hoạt tạo điều kiện giúp đỡ cho trên 150 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và những hộ khó khăn có việc làm và thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, anh còn tích cực tham gia đóng góp cho địa phương để xây dựng, sửa chữa đường, làm cầu, quỹ người nghèo, quỹ an sinh xã hội, với số tiền hơn 100 triệu đồng/năm”.

Bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa, CCB Nguyễn Văn Hoạt nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp Hội và được công nhận CCB sản xuất kinh doanh giỏi các cấp nhiều năm liền.

Phương Nghi