Gần một tuần nay, thông tin tràn ngập trên mạng xã hội về vụ án hai vợ chồng Thạch Thị Kim Nhung, sinh năm 2002 và Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn, sinh năm 1995, cùng trú tại xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, vì nghèo khó bán con lấy 18 triệu đồng!

Khác với các vụ án khác, dư luận không chỉ thương trách cặp vợ chồng thơ dại - nghèo, hèn - “mù luật”, mà còn quở trách bố mẹ, chính quyền cơ sở, cộng đồng... đã dường như đứng ngoài, nếu như không muốn nói là chưa đủ trách nhiệm với cảnh đời khốn khó của cặp vợ chồng đó.

Sao không quở trách, khi “người lớn” để Nhung và Tuấn lấy nhau chưa đăng ký kết hôn, đẻ liền 4 con chỉ trong khoảng thời gian hơn 6 năm - cháu lớn 6 tuổi, cháu nhỏ nhất 50 ngày tuổi, chỉ cách chị liền kề chưa đến 1 tuổi; trong hoàn cảnh kinh tế của bố, mẹ túng quẫn đến mức phải bán con nhỏ nhất lấy tiền nuôi 3 con còn lại, như lời khai trước Tòa của bị cáo Nhung.

Tòa sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn 13 năm tù, Thạch Thị Kim Nhung 10 năm tù. Nếu không kháng cáo, hoặc có, nhưng Tòa phúc thẩm y án sơ thẩm thì số phận của 4 đứa trẻ thơ dại sẽ đi về đâu? Ai cho chúng bú mớm, ai dạy bảo, đưa đón chúng học hành...?

Chúng không có tội, nhưng vô hình trung chúng phải chịu tội - một tội nghiệt ngã hơn bất cứ tội lỗi nào - là không được bố mẹ đẻ nuôi dưỡng ngay trong những năm đầu đời. Chúng sẽ đi về đâu? Chúng có thể thành người không?

Khó thật, ở cái tuổi lọt lòng ấy không dễ để ai thay hơi ấm lòng mẹ ấp ủ chúng! Đó là điều khiến không chỉ chính quyền, địa phương, mà dường như tất cả chúng ta đều thấy áy náy, day dứt từ sâu thẳm lòng mình, cảm nhận như chính mình cũng có lỗi với chúng...

Có thể là đã muộn và không thể thay đổi bản án của bố, mẹ 4 đứa trẻ. Nhưng chắc chắn xã hội ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn; ít đứa trẻ bị rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã như 4 đứa trẻ trên hơn, nếu mỗi chúng ta tự chất vấn, tự luận tội, tự kết án mình, để sống có lương tâm hơn, có trách nhiệm hơn với chính bản thân mình, gia đình và xã hội.

Huy Thiêm