Ngành Du lịch Việt Nam đang thiếu lao động trầm trọng.

Dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao, nhưng nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong nước đang trong tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng.

Thiếu nhân sự trầm trọng

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong năm 2020, có 52% lao động Ngành Du lịch đã nghỉ việc hoặc tạm thời nghỉ việc, số lượng người làm đủ thời gian chỉ chiếm 24%. Tại một diễn đàn về phát triển nhân lực du lịch diễn ra ngày 13-5 ở T.P Hồ Chí Minh, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó giám đốc Sở Du lịch T.P Hồ Chí Minh cho biết: Nếu như trước đây Ngành Du lịch của thành phố luôn trăn trở nguồn nhân lực không đồng đều về chất lượng, tính chuyên nghiệp, thì sau dịch vấn đề đáng lo ngại là tình trạng nguồn nhân lực đang trở nên thiếu và yếu cả về chất lượng và số lượng. Nguyên nhân do sự chuyển dịch về nguồn lao động giữa các ngành nghề, giữa các địa phương, do thời gian gián đoạn, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; 80% lực lượng lao động du lịch nghỉ việc hoặc chuyển đổi ngành nghề.

Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết: Trong thời gian dịch bệnh, số doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, phần lớn doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc dừng hoạt động. Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch, chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của Ngành Du lịch Việt Nam, phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách. Đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến 2,5 triệu lao động trong Ngành Du lịch với 800.000 lao động trực tiếp. Khi du lịch khởi động trở lại, nguồn nhân lực vốn đã yếu và thiếu từ trước đại dịch lại càng thêm trầm trọng khi nhiều người đã từ chối quay trở lại với nghề.

Nằm trên bờ biển thuộc địa phận huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, 2 năm qua, Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 với gần 70 cơ sở lưu trú và khoảng 6.000 phòng nghỉ phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Hàng nghìn lao động ở đây mất việc làm. Ngay sau khi mở cửa du lịch trở lại, bên cạnh việc nâng cấp, làm mới cơ sở vật chất, buồng phòng…, đơn vị này đã cấp bách tuyển dụng nhân sự để bù đắp lực lượng thiếu hụt, đồng thời tăng cường đào tạo nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng cho người lao động đang làm việc.

Tại T.P Đà Nẵng, tình hình cũng không mấy khả quan. Ông Nguyễn Đức Cương - Tổng quản lý khách sạn Vanda, quận Hải Châu cho hay: Hiện nay khách sạn có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động cùng lúc để đảm bảo khung nhân sự các bộ phận, nhưng số lượng hồ sơ nộp vào rất ít. Chất lượng ứng viên không tốt và đều như trước. Theo ông Cương, chỉ 50% nhân sự tuyển vào đáp ứng được yêu cầu của khách sạn, số còn lại phải mất thêm thời gian để đào tạo lại. Dù vậy, khách sạn vẫn chấp nhập tuyển dụng vì thiếu hụt lao động quá nhiều.

Cần sớm liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch: Để giải bài toán nhân lực du lịch, trước hết các địa phương và doanh nghiệp du lịch cần có chính sách thu hút nhân lực du lịch đã thôi việc, chuyển việc trở lại phục vụ trong ngành du lịch. Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại cho 100% nhân lực nghiệp vụ du lịch tại các địa phương đối với đối tượng quay trở lại làm việc, đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch.

Ngay từ tháng 9-2021, Ngành Du lịch tỉnh Thanh Hóa tổ chức 15 lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước về du lịch, bồi dưỡng hướng dẫn viên cho các khu, điểm du lịch; dạy nấu ăn cho các hộ kinh doanh lưu trú tại nhà dân... ở các huyện Quan Hóa, Thường Xuân, Bá Thước, Như Xuân, Lang Chánh. Trong 3 tháng đầu năm 2022, Sở VHTTDL và Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa phối hợp với các chuyên gia, cơ sở đào tạo du lịch liên tục tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tại chỗ cho người lao động, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Chỉ tính riêng 3 tháng cuối năm 2021, hơn 2.000 lao động du lịch đã được đào tạo lại. Dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2022, hai đơn vị này sẽ mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho gần 5.000 lao động sau khi được doanh nghiệp tuyển dụng. Trong đó, ưu tiên tập trung đào tạo nguồn nhân lực trước cho các khu du lịch biển và sinh thái cộng đồng như: Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến, Nghi Sơn, Pù Luông, Bến En... Để kịp thời giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động du lịch, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch ở Thanh Hóa đã thay đổi hình thức đào tạo theo phương châm “3 tại chỗ”, “đào tạo gắn với thị trường, doanh nghiệp” để sinh viên vừa học vừa làm việc.

Tại tỉnh Quảng Nam, ông Văn Bá Sơn - Phó giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết: Sở đã liên kết với Sở LĐTBXH tỉnh vừa cấp phép cho đào tạo thêm trung tâm đào tạo nghề du lịch trên địa bàn. Đồng thời, Sở sẽ liên kết các trường đào tạo để kết nối với chính các doanh nghiệp đang thiếu nguồn nhân lực.

Ngày 22-2, Bộ Tài chính ban hành thông tư 12 hướng dẫn mức chi từ ngân sách để xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Nguyên tắc nguồn ngân sách cấp cho quỹ là chỉ hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch do tổ chức, doanh nghiệp du lịch chủ trì đề xuất, tối đa 1 hoạt động và 1 lần/năm. Mức hỗ trợ đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng tối đa 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo. Còn người tham gia khóa đào tạo trên 3 tháng thì mức hỗ trợ sẽ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/tháng/người và không quá 6 tháng. Như vậy, mức hỗ trợ không quá 9 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

Võ Hóa