Mấy ngày nay, khi Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro)  công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán 2021, lỗ lũy kế 160 tỷ đồng, lại rộ lên ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng tính cả đến phương án cho dừng “con đường thua lỗ” này…  

Chuyện lỗ của đường sắt Cát Linh - Hà Đông thì đã được các chuyên gia về đường sắt trên cao của thế giới và trong nước cảnh báo ngay từ khi nó còn trong ý tưởng, nên giờ chạy, lỗ thì cũng không có gì là lạ.  

Nhưng Hà Nội lại không chỉ có đường sắt trên cao, mà còn có cả tuyến xe buýt nhanh (BRT) cũng đang chạy rất ì ạch. Dư luận cho rằng cả hai hình thức giao thông này muốn không lỗ, trước hay sau đều phải dừng hoạt động. Và nếu dừng thì “ưu tiên” dừng BRT trước.  

Người ta lập luận nghe có lý lắm:

Thôi thì đường sắt Cát Linh - Hà Đông ở trên cao, “một mình một đường, chạy vèo vèo”, càng chạy ít chuyến, dân càng không để ý - nghĩa là không ảnh hưởng trực tiếp đến người tham gia giao thông, nên đỡ bức xúc hơn.  

Ngược lại, BRT đi song song cùng con đường với các phương tiện giao thông khác bằng phân giới đường kẻ giải phân cách. Mang tiếng “nhanh” nhưng thực tế BRT lại thưa nhặt mới có một “buýt nhanh” đi; càng giờ cao điểm BRT càng không đi được; bỏ không con đường vừa rộng, vừa phẳng, trong khi đường giao thông thông thường thì chật như nêm cối, làm ai nấy đi cũng bức xúc, thậm chí oán giận.    

Oan nhất là các đồng chí cảnh sát giao thông, cứ ngơi ra là dân lấn đường BRT, nếu phạt thật nghiêm thì không lấy lực lượng đâu ra để phạt, mà phạt nhiều quá khéo hóa nhàm; chọn giải pháp thi thoảng phạt một vài trường hợp để “răn đe”, dân lại cho là tiêu cực!

BRT vì những nguyên nhân khách quan, như nhiều đường rẽ, đường giao cắt, trong khi “văn hóa giao thông” của dân ta cũng còn nhiều hạn chế, nên bị “xung đột giao thông”. Đây là hỏng từ “tầm nhìn ngắn”, từ quy hoạch, thiết kế, không thể chữa được.

Biện pháp duy nhất là bỏ tuyến BRT này, trả lại phần đường cho giao thông thông thường. Hà Nội nghiên cứu xây dựng tuyến BRT khác.

Huy Thiêm