Phát biểu tại cuộc họp ngày 20/4 của DSB, Đại sứ Vũ Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva nêu rõ, đây là lần đầu tiên Việt Nam yêu cầu thành lập Ban hội thẩm kể từ khi gia nhập WTO và việc này đã được cân nhắc kỹ lưỡng và tham vấn với phía Mỹ.

Đại sứ Vũ Dũng nói: "Vấn đề trọng tâm trong yêu cầu của chúng tôi là phương pháp 'quy về không', đặc biệt quy về không trong các cuộc rà soát định kỳ theo luật pháp của Mỹ. Chúng tôi cho rằng vấn đề này đã được các Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm của WTO quyết định trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, Mỹ đã không thực hiện những báo cáo của Cơ quan phúc thẩm và tiếp tục áp dụng phương pháp 'quy về không' trong các cuộc rà soát hành chính, trong đó áp dụng đối với các sản phẩm tôm của Việt Nam."

Ngoài ra, theo đại sứ, Mỹ cũng đã tiến hành hai hành động khác mà theo tiền lệ của Mỹ, sẽ ngăn cản việc chấm dứt áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Trước hết, trong các lần rà soát hai, ba, bốn và năm, Mỹ liên tục bác bỏ xem xét yêu cầu điều tra của các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Mặc dù trên thực tế, Mỹ đã không tìm thấy biên độ phá giá trong các lần rà soát thứ nhất, thứ hai và thứ ba đối với các công ty được điều tra, nhưng vẫn tiếp tục áp dụng các biên độ phá giá đối với các công ty không được điều tra bất chấp yêu cầu điều tra của các công ty này.

Đại sứ Vũ Dũng khẳng định: "Mỹ rõ ràng đã lạm dụng những ngoại lệ được quy định trong điều 6.10 và điều 9.4 bằng cách từ chối thông qua các thủ tục cho phép các công ty không bán phá giá chứng minh điều này thông qua điều tra. Mỹ còn áp dụng 'mức thuế toàn quốc' trái với tinh thần và lời lẽ của Hiệp định chống bán phá giá và Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam."

Đại sứ Vũ Dũng nhấn mạnh, việc làm của Mỹ là không phù hợp với nghĩa vụ của Mỹ theo Hiệp định chống bán phá giá và các hiệp định khung khác của WTO.

Sau khi nhắc lại việc Việt Nam yêu cầu tham vấn với Mỹ về các biện pháp chống bán phá giá do Mỹ áp dụng đối với một số sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam ngày 1/2/2010, Đại sứ cho biết Việt Nam và Mỹ đã tiến hành tham vấn vào ngày 23/3/2010 tại Geneva, Thụy Sĩ. Các cuộc tham vấn này được tổ chức với hy vọng đạt được một giải pháp chung. Tuy nhiên, hai bên đã không đạt được giải pháp chung cho các vấn đề tranh chấp.

Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác là theo đuổi vấn đề này tại Ban hội thẩm DSB. Vì vậy, Việt Nam đề nghị Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO thành lập một Ban hội thẩm theo các quy định của WTO để xem xét vấn đề này. *Theo TTXVN

  • Nguyễn Hoàng