Thực hiện chủ trương của Chính phủ hỗ trợ cho các đối tượng nghèo, khó khăn khi điều chỉnh giá điện mới, tại Thông tư 08/2010/TT- BCT, Bộ Công Thương quy định: giá điện sinh hoạt cho 50 kWh đầu tiên không tăng và được giữ ở mức 600 đồng/ kWh (bằng mức 2009); sinh viên, người lao động thuê nhà được trực tiếp mua điện theo giá điện sinh hoạt bậc thang nếu đáp ứng đủ điều kiện; chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hoá đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành.
Qua báo cáo của các công ty điện lực và phản ánh của người dân, nhiều chủ cho thuê nhà đã thu tiền điện của người thuê nhà với giá cao hơn so với quy định mặc dù được mua điện từ các công ty điện lực với giá bán điện sinh hoạt bậc thang. Đây là hành vi lợi dụng nhằm thu lợi bất hợp pháp, ảnh hưởng tới quyền lợi của sinh viên và người lao động thuê nhà, đi ngược lại chính sách của Chính phủ hỗ trợ cho các đối tượng nghèo, khó khăn khi điều chỉnh giá điện. Năm nay, quy định mới của Bộ Công Thương tại Thông tư 08/2010/TT- BCT thoáng hơn và đưa ra cách tính định mức cụ thể cho từng người ở trọ.
UBND các tỉnh thành phố như TP. Hồ Chí Minh cũng qui định, người ở trọ được đăng ký định mức sử dụng nước và trả tiền nước theo định mức như những hộ dân bình thường.
Quy định là thế nhưng không phải chủ nhà trọ nào cũng đăng ký định mức cho người ở trọ. Chưa kể việc chủ nhà trọ đã đăng ký định mức điện cho người ở trọ nhưng “ém” không cho người ở trọ biết để thu tiền điện với giá “cắt cổ”.
Một số nơi ở TP.HCM, người ở trọ lại tiếp tục bị chủ nhà tự ý tăng giá điện, nước lên gấp đôi, gấp ba, thậm chí có nơi tăng gấp sáu lần so với giá quy định. Tại các khu vực có nhiều sinh viên, công nhân thuê nhà trọ như các quận 1, 4, 7, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Thủ Đức... chủ nhà trọ tự ý tăng giá điện, nước một cách vô tội vạ.
Tại Hà Nội, chi phí thuê nhà của sinh viên đã bị đẩy lên, các chủ trọ cũng đưa lý do giá điện tăng. Tại các khu trọ sinh viên, hiện giá điện trung bình khoảng 3.000 đồng/kWh. Một số khu vực như ĐH Bách Khoa, ĐH Kinh tế Quốc dân thì giá điện lên tới 5.000 đồng/kWh. Giá nhà trọ rồi giá điện, giá nước tăng khiến đời sống sinh viên càng thêm khó khăn.
Trong khi đó theo Luật điện lực, chủ nhà tự ý bán điện cho người thuê nhà với mức giá cao là vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 74/2003 của Chính phủ.
Tuy nhiên, vẫn chưa có hành vi vi phạm nào bị xử phạt. Theo Công ty Điện lực TP.HCM và Sở Công thương TP, từ tháng 3/2009 đến nay chưa có trường hợp nào địa phương xử phạt hành chính chủ nhà bán điện lại cho người thuê nhà với giá cao hơn quy định!
Việc chủ nhà bán điện lại cho người thuê nhà sẽ được siết chặt lại trong công tác quản lý. Chỉ thị của Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các công ty điện lực thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương về chính sách hỗ trợ giá điện của Nhà nước cho đối tượng là người thuê nhà; yêu cầu người thuê nhà nếu gặp khó khăn do phải trả tiền điện cao hơn so với quy định cần làm đơn đề nghị gửi Sở Công thương để được giải quyết.
Đồng thời, Sở Công thương các tỉnh, thành phố phối hợp với công ty điện lực và các đơn vị có liên qua kiểm tra việc thực hiện bán lẻ giá điện tại những địa điểm cho thuê nhà, xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp chủ nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá bán lẻ điện trong hoá đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành.
Thông tư 08/2010/TT-BCT ngày 24/2/2010 của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện năm 2010 và hướng dẫn thực hiện cũng quy định rõ việc ký hợp đồng mua điện đối với trường hợp cho thuê nhà để sử dụng vào mục đích sinh hoạt thực hiện như sau:
-
Chủ nhà cho thuê phải xuất trình giấy đăng ký tạm trú của người thuê nhà;
-
Tại mỗi địa chỉ nhà cho thuê, Bên bán điện chỉ ký một hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) duy nhất;
-
Đối với trường hợp cho hộ gia đình thuê: Chủ nhà trực tiếp ký HĐMBĐ hoặc ủy quyền cho hộ gia đình thuê nhà ký HĐMBĐ (có bảo lãnh thanh toán tiền điện), mỗi hộ gia đình thuê nhà được tính một định mức;
-
Đối với trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà có thời hạn từ 12 tháng trở lên thì chủ nhà trực tiếp ký HĐMBĐ hoặc uỷ quyền cho đại diện người lao động hoặc sinh viên thuê nhà ký kết HĐMBĐ (có bảo lãnh thanh toán tiền điện của chủ nhà). Trong trường hợp này, cứ 04 người (căn cứ vào giấy đăng ký tạm trú) tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang, cụ thể: 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là 1 định mức. Trường hợp thời hạn thuê nhà dưới 12 tháng thì chủ nhà phải trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện;
-
Chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hoá đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành;
-
Khi có thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho Bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện. Bên bán điện có quyền kiểm tra, yêu cầu bên mua điện xuất trình giấy đăng ký tạm trú hàng tháng để xác định số người tính số định mức khi tính toán hóa đơn tiền điện.
Nguyễn Hoàng