Tại Tờ trình số 1493/BGTVT - KHĐT xin phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (nằm trong tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam) mà Bộ Giao thông Vận tải gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 15/3/2010, lần đầu tiên, cơ chế triển khai một dự án đầu tư xây dựng hạ tầng theo hình thức PPP đã được đề cập một cách tương đối cụ thể. Dù rằng, đó mới chỉ là điều kiện cần để cơ chế này phát huy tác dụng.

*Từ dự án thí điểm *

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết không chỉ rút ngắn hành trình từ TPHCM đến khu vực Nam Trung bộ, khắc phục tình trạng ách tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1, mà còn tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, các khu du lịch sinh thái dọc biển của Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa; thúc đẩy nhanh việc xây dựng và phát triển tuyến đường vành đai 3 và 4 TPHCM.

Cần phải nói thêm rằng, việc xây dựng đoạn đường cao tốc dài 100 km, gồm 6 làn xe chạy qua địa phận 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công hàm số 1208/BKH - KCHT&ĐT gửi Ngân hàng Thế giới (WB) thống nhất xác định là dự án thí điểm đầu tiên trong chương trình hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý về PPP và đề nghị đưa công trình này vào danh mục vay vốn WB tài khóa 2010 - 2011. Theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải gửi Thủ tướng Chính phủ, Công ty Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco) là nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Công trình dự kiến khởi công vào quý III/2010 và hoàn thành năm 2014.

Với tổng mức đầu tư lên tới 19.326 tỷ đồng cho cả 2 giai đoạn, cơ cấu nguồn vốn đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng - GPMB) như sau: vốn chủ sở hữu từ các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước (10,6%); vốn vay thương mại từ các ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế, phát hành trái phiếu (khoảng 11%), vốn hỗ trợ của ngân sách cho chi phí xây dựng (29,4%); vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết phát triển - IBRD (49%). Cùng với một số nguồn thu từ việc đặt biển quảng cáo, các trạm dịch vụ và cây xăng dọc tuyến đường, nhà đầu tư được thu phí hoàn vốn trong thời gian 35 năm và có thêm 5 năm thu phí nữa để tạo lợi nhuận.

Do dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, để tăng tính khả thi về tài chính, đảm bảo dự án có thể triển khai thực hiện theo cơ chế thí điểm PPP, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ hỗ trợ nhà đầu tư toàn bộ cơ chế đền bù GPMB, tái định cư, rà phá bom mìn và một phần chi phí xây dựng. Được biết, những đề xuất này được Bộ Bộ Giao thông Vận tải đưa ra trên cơ sở nghiên cứu của đơn vị tư vấn lập Dự án là Almec - Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (GTVT). “Với những khó khăn thực tế về khả năng hoàn vốn của các dự án đường cao tốc, việc cho phép nhà đầu tư tư nhân được sử dụng nguồn vốn vay ODA và vốn vay thương mại lãi suất thấp của các nhà tài trợ quốc tế được coi là phương án huy động hiệu quả và khả thi nhất do những nguồn vốn này có lãi suất thấp, thời gian vay dài, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư khi triển khai” - ông Ngô Thịnh Đức, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết.

Thuận lợi lớn nhất đối với Bitexco khi xây dựng phương án huy động vốn cho dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết chính là việc mới đây Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho các nhà đầu tư tư nhân được tiếp cận các nguồn vốn vay ODA thông qua sự bảo lãnh của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, trong Công thư gửi Chính phủ Việt Nam vào cuối năm 2009, WB cũng khẳng định, dự án của Bitexco đã hội đủ tiêu chí là dự án thí điểm theo phương thức PPP và nhà tài trợ này đã chuẩn bị khoản vay hỗ trợ dự án từ nguồn tín dụng hỗ trợ phát triển ưu đãi (IDA) là 120 triệu USD và IBRD là 100 triệu USD trong ngân sách 2010. “Nếu Bitexco và Nhà nước có thể kết hợp để xây dựng thành công tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ mở ra một xu hướng xã hội hóa rất tích cực, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đánh giá.

PPP đâu phải không hấp dẫn!

Được biết, ngoài Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Bộ Giao thông Vận tải đã lên sẵn danh sách 9 dự án hạ tầng khác kêu gọi vốn đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức PPP (xem bảng). Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện Bộ đã nhận được đề nghị được đầu tư vào một số dự án đường bộ cao tốc của Tập đoàn Posco E&C (Hàn Quốc) và Tập đoàn Nexco Central (Nhật Bản) theo hình thức PPP. Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) cũng đã chính thức đề nghị với Bộ về việc hợp tác với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng (giai đoạn khởi động). Theo đó, Itochu sẽ cùng Vinalines bỏ vốn đầu tư vào hợp phần B - xây dựng 2 bến container có tổng mức đầu tư 165 triệu USD…

Theo ông Hà Khắc Hảo - Quyền Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ này đang kiến nghị Chính phủ bố trí đủ kinh phí cho công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án PPP nói trên để các cơ quan quản lý nhà nước có đủ dữ liệu chi tiết về phương án tài chính, mức hỗ trợ tài chính… làm cơ sở mời thầu và đàm phán với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc Chính phủ cần sớm ban hành một khung pháp chế hoàn chỉnh và bao quát về cơ chế đầu tư, huy động vốn theo phương thức PPP.

Trong khi đó, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam cho rằng, điều mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước chờ đợi nhất chính là tính công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư và cơ chế hài hòa lợi ích và rủi ro của các bên liên quan tại các dự án PPP hạ tầng - vốn có tính khả thi tài chính rất thấp.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Cao Thúy