Tiềm năng lớn
Ở các huyện miền núi phía tây của tỉnh Thanh Hóa, từ nhiều năm nay, cây luồng nổi danh là cây trồng chủ lực “xóa đói giảm nghèo”, chiếm già nửa nguồn thu nhập của người dân nơi đây. Cây tre, cây luồng có giá trị kinh tế cao, là nguồn nguyên liệu chất lượng rất tốt để sản xuất bột giấy, làm vật liệu xây dựng, ván ép, trụ chống, măng tre, măng luồng để chế biến thức ăn, làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như chiếu, đũa; luồng lại thích hợp với vùng đất bazan, mưa nhiều.Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa có diện tích tre, luồng lớn nhất cả nước với hơn 152.000ha, tập trung tại các huyện Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát, Ngọc Lặc, Thường Xuân; nếu khai thác tối đa có thể đạt gần 94 triệu cây/năm gồm 42 triệu cây luồng và 52 triệu cây tre. Cây luồng Thanh Hóa có năng suất cao khi cây trưởng thành có đường kính từ 15-20cm, cao từ 15-17m với chiều dài sử dụng hữu hiệu từ 7-10m, lóng luồng dài, cây mọc san sát. Hàng trăm gia đình đồng bào dân tộc Thái, trong đó có nhiều gia đình hội viên CCB tại các huyện phía tây Thanh Hóa sở hữu nhiều khu rừng luồng rộng hàng chục héc-ta, thậm chí có những gia đình có rừng luồng rộng 50-60 ha. Nguồn thu nhập từ trồng và khai thác luồng, hàng ngàn hộ dân tại các huyện này đã có điều kiện làm nhà khang trang, mua sắm đồ đạc, nuôi dạy con ăn học. Cây tre, cây luồng đã góp phần đắc lực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của người dân nơi đây.
Khó khăn cho cây luồng
Giá trị và tiềm năng là vậy, nhưng hiện nay, cây luồng Thanh Hóa đang đối mặt với khá nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xuống quá thấp, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân nơi đây. Thực tế hiện nay, giá bán trung bình tại các huyện trọng điểm cây luồng chỉ đạt 1.100 đồng/kg, tính ra, mỗi ha trồng luồng chỉ cho thu hoạch khoảng 6 triệu đồng/năm. Gia đình anh Đoàn Văn Sỹ ở xã Lương Trung, huyện Bá Thước có 5ha luồng được trồng từ những năm 1990, năm 2011, thấy hiệu quả thấp, anh phá luồng, chuyển trồng mía. Theo anh, trồng luồng sau 3 năm mới cho thu hoạch, giá lại rẻ; chuyển sang trồng mía điều kiện chăm bón dễ hơn, tiêu thụ dễ hơn, lại cho thu hoạch mỗi năm một lần, nhanh gấp ba cây luồng. Ngoài chuyện giá xuống thấp thì nguyên nhân cũng chính từ người trồng luồng khai thác ồ ạt, chặt cả cây non khiến rừng luồng xuống cấp. Khảo sát của Sở NNPTNT Thanh Hóa tại 5 huyện trọng điểm trồng luồng cho thấy, có tới 67,6% số hộ có rừng luồng thoái hóa; 79,6% số hộ có rừng luồng bị sâu bệnh; phần lớn người dân chưa quan tâm chăm sóc rừng luồng, mới có 14,1% số hộ bón phân cho rừng luồng, còn lại cứ để tự nhiên nên rừng xuống cấp nhanh. Cùng với đó là chuyện đường giao thông vừa xa (từ các huyện trồng luồng về đến TP. Thanh Hóa gần 200km), vừa xuống cấp nên phí chuyên chở sản phẩm luồng đi tiêu thụ lên cao, về đến TP. Thanh Hóa, cây luồng đội giá cao gấp ba lần. Đã có một số dự án chế biến các sản phẩm từ luồng nhưng sau một thời gian đều đi vào bế tắc.Tất cả những chuyện ấy đã khiến cây luồng Thanh Hóa “teo tóp” dù cây vẫn to, vẫn tươi. Giấc mơ xóa đói giảm nghèo của đồng bào các huyện miền tây Thanh Hóa lại xa dần.
**Vực dậy tre, luồng; giảm nghèo và làm giàu cho dân **
Để vực dậy cây trồng chủ lực là tre luồng để phát triển kinh tế, thực hiện xóa đói giảm nghèo cho người dân, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và đang thực hiện phương án phát triển, quản lý diện tích tre, luồng theo hướng bền vững tới năm 2030. Người dân Thanh Hóa đang dồn kỳ vọng của mình vào kế hoạch này. Nguồn kinh phí huy động ước khoảng 1.466 tỷ đồng với 6 mục tiêu cụ thể như diện tích thâm canh đạt 57.000ha, sản lượng khai thác đạt 1,75 triệu tấn luồng/năm; tập huấn, chuyển giao công nghệ cho 11.000 người dân trồng luồng… Giải quyết “đầu ra” cho cây luồng, gỡ khó cho người dân, theo kế hoạch, đến năm 2020, tại các huyện phía tây Thanh Hóa sẽ có 5 nhà máy sản xuất các sản phẩm từ cây tre, cây luồng với công suất 70.000 tấn sản phẩm/năm và khoảng 100 doanh nghiệp vệ tinh cung cấp nguyên liệu thô cho các nhà máy; dự kiến năm 2030 số nhà máy sẽ tăng gấp đôi, doanh thu đạt khoảng 10.000 tỷ đồng/năm. Mục tiêu tiếp theo là củng cố, phát triển 50-55 doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm cho khoảng 10.000 người dân trong khu vực với mức lương ổn định, đồng thời tăng giá nguyên liệu lên 50% để nâng cao thu nhập cho người trồng tre, luồng…
Tiềm năng lớn, hướng đi đã mở, quyết tâm đã rõ, hy vọng cây luồng Thanh Hóa sẽ “xanh” lại, giúp xóa được đói nghèo, đem lại cuộc sống ngày càng sung túc cho người dân các huyện miền tây Thanh Hóa trong tương lai không xa.
Thanh Nga-Thanh Huyền