Thu thuế để “hợp thức hoá nó à”?
“Cả 3 nhà máy gạch, điểm tập kết, trung chuyển cát đều hoạt động không phép. Không ai cấp phép cho họ cả. Họ xây dựng và hoạt động từ năm 2013 đến nay”. Đó là câu trả lời của ông Phạm Tiểu Long - Chủ tịch UBND xã Minh Quang khi phóng viên hỏi đến giấy phép xây dựng và giấy phép lập bến bãi tập kết và trung chuyển cát trên địa bàn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Long cho biết: Trước đây toàn xã có tới 29 lò gạch thủ công, sau khi có lệnh cấm, người dân đã tự giác tháo dỡ hết. Năm 2013, UBND huyện Ba Vì cấp phép xây dựng 3 nhà máy gạch có dạng lò kiểu “úp vung”, được phép tồn tại đến năm 2016. Chủ nhà máy là các ông Nguyễn Bá Quốc, Cấn Mạnh Hùng và Nguyễn Văn Thịnh. Do hoạt động không hiệu quả, năm 2014, các ông chủ tự ý chuyển sang dạng lò vòng. Việc này hoàn toàn trái với giấy phép xây dựng ban đầu.
Theo ông Long, các điểm tập kết, trung chuyển cát trên địa bàn đều do các ông Nguyễn Bá Quốc, Cấn Mạnh Hùng và Nguyễn Văn Thịnh làm chủ. Điều đáng nói là các điểm tập kết, trung chuyển cát đều nằm trên đất nông nghiệp và trong hành lang bảo vệ, thoát lũ sông Đà. Khi xảy ra hiện tượng sạt lở, các ông chủ nói trên lại tự ý thoả thuận với người dân, chuyển một số bãi vào đất nông nghiệp ở phía trong - khi chính quyền chưa cho phép…
Khi chúng tôi hỏi: UBND xã Minh Quang có thu thuế hoặc lệ phí với 3 nhà máy gạch và hệ thống bến bãi tập kết, trung chuyển cát? Chủ tịch UBND xã Minh Quang nói rằng: “Có ai cho phép họ hoạt động đâu mà phải đóng thuế. Bắt nó đóng thuế, hoá ra hợp thức hoá cho nó à”!!!

**“Để nó…tự chết”! **
Vẫn theo ông Long, những vi phạm trên UBND xã Minh Quang đã lập biên bản vi phạm và xử phạt một lần vào 2015. “Công an kinh tế, Sở NNPTNT, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã xuống kiểm tra nhiều lần, nhưng mọi hoạt động của nhà máy gạch và bến bãi trung chuyển cát vẫn diễn ra bình thường…” - Chủ tịch xã Minh Quang nói tiếp. Dù thừa nhận với phóng viên những sai phạm nói trên, nhưng vị Chủ tịch UBND xã Minh Quang lại cho rằng “Cái sai đem lại lợi ích vì… giải quyết việc làm cho mấy trăm lao động địa phương”!
Khi chúng tôi đề cập đến việc các điểm tập kết, trung chuyển cát có thể ảnh hưởng đến an toàn đê điều trong mùa mưa lũ? Ông Long cho rằng: Đê tả sông Đà (đoạn chạy qua địa bàn xã Minh Quang) đã có kè. Nhưng nói an toàn, chẳng ai dám nói nó an toàn!
Ông Phạm Tiểu Long còn cho biết thêm: Hiện nay, địa phương quản rất chặt khâu khai thác nguyên liệu đầu vào, các nhà máy gạch còn hoạt động được là do số nguyên liệu đất còn tích luỹ từ trước. “Cứ đà này, đến năm 2020, thì chúng nó cũng tự chết”…
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, một người dân địa phương cho biết, các ông chủ nhà máy vẫn thường xuyên hợp đồng mua đất đồi của các hộ, sau đó hạ độ cao để lấy nguyên liệu làm gạch. “Đầu tư nhà máy cả trăm tỷ đồng, nếu không có nguồn nguyên liệu tại chỗ thì họ chả dại gì mà làm” - một người dân nói tiếp…
Khi phóng viên đề cập đến trách nhiệm của xã đã để những sai phạm nói trên tồn tại trong một thời gian dài, ông Long lại nói rằng: Chúng tôi đã báo cáo lên huyện nhưng chưa nhận được sự chỉ đạo của huyện?!
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Bạch Công Tiến - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết: “Việc đấy là việc của xã, xã quản lý trực tiếp, toàn quyền của xã. Thẩm quyền của xã là cấp cơ sở, phải giải quyết tất cả các vấn đề phức tạp. Nó xảy ra ở đâu, bắt buộc cấp trực tiếp phải làm… Huyện cũng đã chỉ đạo mấy tháng nay rồi, bắt buộc xã phải làm. Thanh tra Xây dựng thành phố cũng đã về kiểm tra…”.
Với cách trả lời của Chủ tịch UBND huyện Ba Vì và Chủ tịch UBND xã Minh Quang, có lẽ những sai phạm tại xã Minh Quang còn nối dài. Do đó, có người cho rằng kỷ cương, phép nước đã không được các vị “đầy tớ” của nhân dân xã Minh Quang và nhân dân huyện Ba Vì chấp hành làm tròn trách nhiệm. Vì vậy, đề nghị Chủ tịch UBND T.P Hà Nội kiểm tra, có hình thức xử lý nghiêm minh với những vị lãnh đạo địa phương này.
Bài và ảnh: Doanh Chính - Trần Thụ