Bất lợi quá lớn từ lượt đi khiến đôi chân các học trò của HLV Riedl như bị đeo đá trong phần lớn thời gian trận chung kết lượt về. Họ chơi nhạt nhòa ở hiệp một, bị Malaysia dẫn 1-0 ở đầu hiệp hai. Niềm kiêu hãnh bị tổn thương nghiêm trọng sau đó chỉ giúp Indonesia ghi được hai bàn để giành thắng lợi 2-1 có tính chất danh dự.
Thua chung cuộc 2-4, Indonesia lần thứ tư lỗi hẹn với ngôi vô địch Đông Nam Á. Trước đó họ đã lọt vào chung kết các năm 2000, 2002 (đều thua Thái Lan) và 2004 (thua Singapore). Với HLV Alfred Riedl, thất bại cùng tuyển Indonesia lần này khiến ông chưa thể trút bỏ cái dớp "chuyên gia về nhì" từng đeo đẳng ông từ khi còn làm việc với bóng đá Việt Nam.
Ngược lại, chiến thắng chung cuộc 4-2 đã đưa Malaysia lần đầu tiên bước lên đỉnh vinh quang của bóng đá khu vực, sau lần về nhì ở kỳ AFF Cup đầu tiên (thua Thái Lan năm 1996, khi đó còn mang tên Tiger Cup). Họ còn nhận một vinh dự nữa với chức Vua phá lưới thuộc về Mohd Safee, tiền đạo có 5 bàn thắng, tất cả đều được ghi từ sau vòng bảng, trong đó có 3 bàn ở hai trận chung kết, quyết định thắng lợi trước Indonesia.
Thành công này là một trái ngọt nữa cho bóng đá Malaysia sau chiếc HC vàng SEA Games 2009, đồng thời là sự ghi nhận tuyệt vời cho sức sống của thế hệ cầu thủ trẻ trung, tài năng và giàu khát vọng như Mohd Safee, Safig, Khairul... Trên đường tới ngôi quán quân AFF Cup 2010, Malaysia đã cầm hòa Thái Lan - đội giàu truyền thống nhất Đông Nam Á - ở vòng bảng, vượt qua Việt Nam - nhà vô địch năm 2008 - ở bán kết, trước khi đánh bại Indonesia, đội gây ấn tượng mạnh nhất tại giải tính từ vòng bảng đến hết hai trận bán kết.
Hoàng Linh (TH)