(Báo tháng 7) -“Phòng mổ” thật đơn sơ của Bệnh viện Bảo Lạc – năm 2003, tỉnh Cao Bằng; Kỹ thuật viên gây mê hồi sức Hoàng Thị Sâm, ngoài cùng bên phải.
Năm 2002, tôi là bác sĩ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 799- Quân khu 1, được tăng cường cho Bệnh viện huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, với nhiệm vụ vừa đảm nhiệm phẫu thuật cấp cứu, vừa bồi dưỡng, hướng dẫn tại chỗ cho đội ngũ kỹ thuật viên y tế của bệnh viện.
Thật đáng tiếc, tôi chỉ được làm việc ở bệnh viện có vài năm thì mắc bệnh hiểm nghèo phải về tuyến sau chữa trị, rồi ra quân do không đủ sức khỏe phục vụ Quân đội lâu dài; nhưng tôi nhớ mãi tinh thần làm việc hết lòng vì người bệnh của đội ngũ kỹ thuật viên Bệnh viên Bảo Lạc trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn của một huyện vùng cao. Mà điển hình là chị Hoàng Thị Sâm - Kíp trưởng kíp gây mê, hồi sức.
Tuy là Kíp trưởng Gây mê hồi sức của bệnh viện, nhưng lúc đó chị Sâm chỉ mới tốt nghiệp lớp chuyên khoa kỹ thuật viên gây mê hồi sức, thuộc Trường Kỹ thuật Y tế Trung ương, Hải Dương. Tuy chỉ dự một lớp học rất ngắn ngày - nhưng chị lại rất giỏi về chuyên môn. Còn lòng nhiệt tình, tâm huyết với nghề chữa bệnh cứu người thì đúng là không có giấy bút nào có thể kể hết được những việc làm của chị. Tôi nghĩ, hay chính trong những điều kiện khắc nghiệt (nếu không muốn nói là phải thế) đã tôi luyện nên được những người thầy thuốc kỳ diệu như thế? - Vì tôi nghiệm thấy số đông “bác sĩ sung sướng” không làm được "Mẹ" của bệnh nhân.
Sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng Cao Bằng, chị Hoàng Thị Sâm (sinh năm 1966) “lương duyên” đến với nghề từ tuổi ấu thơ - một lần trong bệnh viện được chứng kiến nỗi đau đớn và tình cảm của những thầy thuốc đã dành cho mẹ chị... Chị nuôi ước mơ được học nghề y để chữa bệnh cứu người từ thuở ấy.
Năm 1986, chị học Trường Kỹ thuật Y tế Trung ương Hải Dương - Chuyên khoa kỹ thuật viên gây mê hồi sức. Ra trường chị xung phong về Khoa ngoại, Bệnh viện huyện Bảo Lạc, làm điều dưỡng, kiêm gây mê hồi sức. Đây là huyện biên giới khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng; chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số: dân tộc Mông, Quý Châu, Dao Đỏ... Do cuộc sống còn nhiều khó khăn, ốm đau đồng bào chỉ quen mời thầy Tào về cúng. Ai không khỏi, chết coi như số phận phải như thế!
Chị Sâm sống trong gian nhà tập thể của bệnh viện cùng 2 con nhỏ. Chồng chị làm thầy giáo dạy ở bản Biên, nên mình chị phải chăm lo cho các con. Vậy mà chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cứ có bệnh nhân cấp cứu là lập tức chị có mặt. Lúc đó vừa sau chiến tranh bảo vệ biên giới, đường sá đi lại hết sức khó khăn, nên Khoa Ngoại của bệnh viện lúc nào cũng chật kín bệnh nhân, nhiều nhất là tai nạn giao thông, có cả bộ đội và thanh niên, sinh viên ở dưới xuôi lên xây dựng đường biên, cột mốc vướng mìn bị thương…
Tôi còn nhớ một ca cấp cứu sau nhiều giờ đi đường rừng chở đến bệnh viện vào hồi 23 giờ ngày 19-4-2003. Bệnh nhân là ông Hoàng Chòi Phâu, 53 tuổi, ở bản Nậm Lìn, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc. Ông bị tai nạn từ lúc 10 giờ, do ngồi trên thùng xe tải đang xuống dốc bị mất lái, xe lộn hất ông vào vách núi, chạm mìn còn sót lại làm vỡ ổ bụng, đứt ruột, cần phải gây mê hồi sức để mổ ngay... Khi ca phẫu thuật hoàn thành thì cũng là lúc 10 ngón tay chị Sâm đã tê dại do bóp bóng gây mê hơn 6 giờ liền.
Nhưng ngay sau mổ, bệnh nhân bị nhiễm trùng, suy thận, không còn đo được huyết áp. Không thể đứng nhìn người bệnh đang tắt dần sự sống… Ngay lập tức, với sự hướng dẫn qua máy điện thoại của bác sỹ Ngô Việt Trung - Chủ nhiệm Khoa Hồi sức, Viện quân y 110 Quân khu 1, chị Sâm đã hồi sức và nâng huyết áp cho bệnh nhân thành công. Và điều kỳ diệu đã đến, ông Phâu được trở về với buôn làng.
Một trường hợp cấp cứu thành công cũng trong tình huống bất khả kháng: Ngày 11-5-2003 Bệnh viện tiếp nhận cháu Dương Văn Bảo 3 tuổi, ở thi trấn Bảo Lạc bị tắc ruột do thoát vị bẹn nghẹt. Ca phẫu thuật không khó, nhưng không cho phép thực hiện, vì bệnh nhân ít tuổi, vượt khả năng gây mê của tuyến dưới. Nhưng tuyến đường từ Bảo Lạc về thị xã Cao Bằng lúc đó lại bị tê liệt hoàn toàn. Để cứu sự sống của cháu bé, chị Sâm đã tự tin gây mê hồi sức cho cháu thành công để tôi trực tiếp mổ cho cháu.
Trên đây chỉ là hai trong gần 200 ca, chị Sâm đã trực tiếp gây mê hồi sức, đảm bảo cho phẫu thuật được thành công. Đúng như Đại tá Phạm Khắc Đức - nguyên đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 799, Quân khu 1 đã từng nói: “Tổ Bác sĩ quân y ngoại khoa của Đoàn phối thuốc giúp Bệnh viện Bảo Lạc hoàn thành tốt nhiệm vụ là có công lớn của Điều dưỡng, kỹ thuật viên gây mê hồi sức Hoàng Thị Sâm”.
Sau này, tuy chúng tôi mỗi người một việc, ở cách xa nhau hàng trăm cây số, hoàn cảnh ai cũng còn khó khăn, nhưng vẫn thường xuyên gặp gỡ, động viên, giúp đỡ nhau trong tình đồng nghiệp, tình quân dân.
Hoàn cảnh của tôi cũng hết sức đặc biệt. Vợ tôi mất trước ngày tôi ra quân, đề lại bố mẹ già và hai con nhỏ. Có những lúc túng quẫn tưởng như tôi không thể vượt qua. Những lúc ấy tôi lại nghĩ đến tấm gương chị Sâm. Và cứ nghĩ đến chị là tôi như có thêm một nghị lực vô hình để vượt lên suốt mấy chục năm qua để chiến thắng bệnh tật, cùng với người bạn đời sau này nuôi dạy các con khôn lớn.
Thân Thiện Hiền