Tuy nhiên, qua những tháng đầu năm 2013, nhiều tác động tiêu cực đã đến với nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, mới đây nhất là việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá nặng nề với cá tra Việt Nam. Nhiệm vụ dồn sức vực dậy ngành nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đang là nhiệm vụ cấp bách hiện nay của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Tình trạng chung hiện nay tại các khu vực nuôi cá tra là chuyện giá nguyên liệu và giá xuất khẩu cá tra đều sụt giảm nhiều. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong hai tháng đầu năm 2013, hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra gặp nhiều trở ngại; nhất là việc giá cá tra trên thị trường thấp hơn giá thành, hiện giá dao động từ 19-22 nghìn đồng/kg. Trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào từ con giống đến thức ăn, tiền công tăng cao, bình quân lên tới 23-24 nghìn đồng/kg khiến hàng loạt hộ gia đình nông thôn làm nghề nuôi cá tra phải ngừng nuôi hoặc chuyển nghề sản xuất khác. Theo dự báo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu cá tra, sản lượng cá tra năm 2013 của Việt Nam chỉ đạt khoảng 800-900 ngàn tấn (giảm so với năm 2012 là trên 1,2 triệu tấn). Không chỉ thiếu nguyên liệu sản xuất, người dân và các doanh nghiệp nuôi, chế biến cá tra còn rơi vào tình trạng thiếu vốn duy trì sản xuất bởi ngân hàng chỉ cho vay ngắn hạn khoảng 4 tháng; trong khi quy trình nuôi cá mất từ 8-9 tháng và những tháng về sau, vốn đòi hỏi ngày càng nhiều hơn. Việc siết chặt vốn của các ngân hàng hiện nay khiến cả người nuôi lẫn doanh nghiệp thu mua, chế biến cá tra đều gặp khó khăn lớn, mặc dù, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ người nuôi và doanh nghiệp cá tra tiếp cận nguồn vốn vay mới với lãi suất thấp 11%/năm. Trong năm 2012, theo báo cáo của các ngân hàng, đã có 38.000 tỷ đồng dành cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến thủy sản vay nhưng thực tế cho thấy, có rất ít người nuôi cá đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn. Tạo điều kiện dễ dàng nhất cho người nuôi cá tra vay được vốn sản xuất đang là việc cấp thiết lúc này. Do những khó khăn về vốn và nguyên liệu nên hoạt động xuất khẩu cá tra trong hai tháng đầu năm 2013 gặp khá nhiều khó khăn, tháng 1-2013, giá trị xuất khẩu cá tra cả nước chỉ đạt 120 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2012; hầu hết sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như EU, Mỹ, ASEAN, Bra-xin… đều giảm mạnh, dự báo xuất khẩu cá tra quý I-2013 chỉ đạt 230-250 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2012; dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay chỉ đạt 1,5 tỷ USD, thấp hơn 1,74 tỷ USD của năm 2012…

Vực dậy ngành nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đang là công việc cấp thiết. Mong mỏi của người nuôi cá cũng như của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra là Nhà nước có chính sách hỗ trợ người nuôi cá và doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất; các ngân hàng xem xét việc cho người nông dân vay trung và dài hạn để người nuôi sử dụng đồng vốn hiệu quả, tăng cường kiểm soát các yếu tố đầu vào như con giống, chất lượng thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc thú y trong quá trình nuôi để tránh tình trạng tồn dư hóa chất trong sản phẩm. Các doanh nghiệp cá tra cần tập trung phục hồi và củng cố thương hiệu ở các thị trường truyền thống thay vì mở rộng thị trường như trước đây, đồng thời liên kết với người nuôi bằng các hợp đồng thu mua nguyên liệu ổn định để tránh tình trạng thừa, thiếu nguồn nguyên liệu ảnh hưởng đến xuất khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu đạt chứng nhận thủy sản bền vững của ASC đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, là điều kiện để cá tra Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh tại các thị trường tiêu thụ chính và mở cánh cửa vào các thị trường mới.

Sản phẩm cá tra Việt Nam đã đi vào bữa ăn của rất nhiều quốc gia, đã có uy tín lớn trên thương trường và là một trong những nguồn thu nhập lớn của kinh tế đất nước. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước hiện nay, vực dậy ngành nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đang là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng của nền nông nghiệp đất nước.

Quỳnh Hoa