Ông Vương Nghị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại, đồng thời là Phó tiểu ban Lãnh đạo Đối ngoại của BCH T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Từ ngày 1-7-2023, Luật Quan hệ Đối ngoại của Trung Quốc sẽ có hiệu lực. Được thông qua ngày 28-6 và có hiệu lực chỉ sau vài ngày, điều này cho thấy Trung Quốc thực sự cần áp dụng luật này. Thế nhưng, Trung Quốc sẽ áp dụng luật này như thế nào và nó sẽ tác động thế nào đối với các nước khác lại là câu hỏi khó vì chưa có tiền lệ.
Trên tờ Nhân dân nhật báo, ông Vương Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại T.Ư, cho rằng: Sự phát triển của Trung Quốc hiện đã bước vào thời kỳ mà thời cơ chiến lược và nguy cơ thách thức cùng tồn tại, các yếu tố khó lường ngày càng gia tăng, phải đương đầu với khó khăn, “dám đấu tranh và giỏi đấu tranh”, bao gồm sử dụng hiệu quả vũ khí pháp quyền, đồng thời không ngừng làm phong phú và hoàn thiện “hộp công cụ” đấu tranh đối ngoại hợp pháp. Ông Vương Nghị nói: Luật mới này tạo cơ sở pháp lý để Trung Quốc thực hiện các quyền hợp pháp đáp trả các biện pháp trừng phạt và can thiệp theo quy định của pháp luật, có lợi cho việc bảo vệ vững chắc và hiệu quả lợi ích quốc gia bằng pháp quyền và cũng có lợi cho việc duy trì tốt hơn sự công bằng và công lý quốc tế.
Như vậy, tuy chưa có ví dụ về việc Bắc Kinh áp dụng luật này nhưng lời giải thích của ông Vương Nghị cho thấy Trung Quốc muốn dùng luật này để gia tăng ảnh hưởng và thời cơ đã đến để Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong việc duy trì công bằng và công lý quốc tế.
Việc Trung Quốc thông qua Luật Quan hệ Đối ngoại vào thời điểm đối đầu Trung - Mỹ gia tăng, cũng có thể được coi là cơ sở pháp lý để Bắc Kinh thực hiện các biện pháp đáp trả và đấu tranh với bên ngoài. Tuy vậy,Phó giáo sư Lý Minh Giang tại Viện Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, phân tích rằng: Cách Trung Quốc phát triển quan hệ đối ngoại, đặc biệt là quan hệ Trung - Mỹ, chủ yếu phụ thuộc vào cách những người ra quyết định hàng đầu phản ứng với các vấn đề cụ thể và chính sách cụ thể. Từ góc độ này, luật trên ít có ý nghĩa tham khảo. Tác động thực chất có thể có của Luật Quan hệ đối ngoại là cung cấp hướng dẫn để Trung Quốc ban hành các luật và quy định cụ thể trong các lĩnh vực trong tương lai. Ví dụ, trước đây Trung Quốc cung cấp viện trợ nước ngoài đều được thực hiện theo công ước và cơ chế nội bộ. Trong tương lai, có thể xây dựng Luật Viện trợ nước ngoài để thể chế hóa các hoạt động cụ thể.
Giải thích của Phó giáo sư Lý Minh Giang mang tính logic nhưng chưa giải thích được tính cấp bách của việc ban hành luật trong khi luật này bao gồm 6 chương và 45 điều, giải thích chức năng và quyền hạn, mục tiêu và nhiệm vụ phát triển quan hệ đối ngoại và hệ thống quan hệ đối ngoại của các cơ quan hữu quan của Trung Quốc trong quan hệ đối ngoại...
Tháng 2 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt đối với hai công ty quân sự của Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan theo Luật Chống lại các lệnh trừng phạt của nước ngoài được ban hành vào năm 2021, yêu cầu các nhà khai thác cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng ở Trung Quốc ngừng mua sản phẩm từ nhà sản xuất chip Micron của Mỹ. Như vậy, dù chưa có Luật Quan hệ Đối ngoại thì Trung Quốc đã có đủ cơ sở pháp lý để đưa ra các đòn trừng phạt. Thế nhưng, theo Giáo sư thỉnh giảng Hoàng Huệ Khang, làm việc tại Viện nghiên cứu luật quốc tế thuộc Đại học Vũ Hán, luật này lần đầu tiên dùng hình thức pháp lý để nói rõ mục đích, điều kiện và định hướng chính của việc áp dụng luật pháp Trung Quốc ngoài lãnh thổ; đồng thời đưa ra các quy định về nguyên tắc biện pháp đối phó và hạn chế đối với nước ngoài… từ đó xây dựng khung hệ thống pháp luật cơ bản áp dụng bên ngoài quyền tài phán của Trung Quốc.
Tìm hiểu câu chữ của luật này có thể thấy một mặt luật xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong công tác đối ngoại, mặt khác lại nhằm thúc đẩy quan hệ hoặc dùng quyền lực pháp lý để bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc. Luật quy định rõ Tiểu ban lãnh đạo Đối ngoại của BCH T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốcchịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại của đảng, Trưởng tiểu ban là ông Tập Cận Bình. Điều 18 quy định Trung Quốc thúc đẩy việc thực hiện các sáng kiến phát triển toàn cầu, sáng kiến an ninh toàn cầu và sáng kiến văn minh toàn cầu, đồng thời thúc đẩy bố cục công việc đối ngoại toàn diện, nhiều tầng nấc, rộng khắp và đa chiều. Ba sáng kiến trên đã được giới chức Trung Quốc đưa ra trong 3 năm qua và như vậy, luật mới này sẽ là đòn bẩy pháp lý để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng và sử dụng sức mạnh của mình trên toàn cầu.
Thanh Huyền