Cảng Hambantota nằm ở vị trí chiến lược nhìn ra Ấn Độ Dương.
Người dân Bangladesh đổ xô ra các cây xăng để mua vào ngày 6-8 sau khi chính phủ nước này thông báo tăng giá xăng ở mức kỷ lục 51% một ngày sau đó. Bangladesh trước đó cũng đã đề nghị Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á hỗ trợ tài chính 2 tỷ USD. Sri Lanka hiện đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Trong lúc Ấn Độ tham gia nhiệt tình vào nhóm Bộ tứ và đàm phán về vấn đề biên giới Trung Quốc, việc quốc gia Nam Á này giang rộng vòng tay hỗ trợ các nước láng giềng vượt qua khủng hoảng là cơ hội để New Dehli tăng cường ảnh hưởng của mình.
Nhiều năm qua, Trung Quốc tăng cường đầu tư ở Bangladesh, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và các cơ sở cảng biển. Thế nhưng các dự án đầu tư này đã chứng minh không thể bảo đảm sức dẻo dai của nền kinh tế khi đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng giá nhiên liệu vừa qua đã khiến nền kinh tế của nước láng giềng Ấn Độ lao đao. Trong lúc này, Thủ tướng Bangladesh - Sheikh Hasina mong muốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với New Delhi.
Trong khi đó, Sri Lanka đã trở thành con nợ lớn của Bắc Kinh. Hàng loạt dự án không cân xứng đã dẫn đến cùng một kết quả là thất bại thảm hại. Ví dụ nổi bật nhất là dự án xây dựng một hải cảng và một sân bay quốc tế tại Hambantota,phía nam Sri Lanka. Khu cảng này chưa bao giờ thu hút được các tàu chở hàng, trong khi sân bay mới cũng không thấy bóng dáng của các máy bay. Kết quả là Sri Lanka buộc phải nhượng lại quyền sở hữu bến cảng trong thời hạn 99 năm cho Tập đoàn nhà nước Merchants Port Holdings của Trung Quốc để đổi lại việc hủy khoản vay hơn 1 tỷ USD. Cho đến khi cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm vào giữa tháng 7, với việc Tổng thống Gotabaya lên chuyến bay bỏ trốn khỏi đất nước, Trung Quốc vẫn im lặng.
Thất bại trong hợp tác kinh tế của các quốc gia láng giềng với Trung Quốc là cơ hội New Dehli giành lại vị trí đã mất trước Bắc Kinh. Giới quan sát nhận định rằng, sự sụp đổ của “gia đình” Rajapaksa được giới quan sát xem là cơ hội vàng để Ấn Độ lấy lại ảnh hưởng trên hòn đảo này. Ngay cả khi chưa có bất kỳ nhà lãnh đạo Ấn Độ nào đề cập tới khả năng này, triển vọng vẫn xuất hiện căn cứ vào thực tế là phe cánh của cựu Tổng thống Rajapaksa đã cho phép Trung Quốc tăng cường sự hiện diện ở Nam Á. Do vậy, thất bại trong lãnh đạo đất nước của gia đình Rajapaksa trong quan hệ với Trung Quốc là cơ hội để Ấn Độ chứng minh thịnh tình của mình. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã nhanh chóng tìm cách lấp đầy khoảng trống từ đầu năm, khi mà nền kinh tế Sri Lanka bắt đầu đứng trên bờ vực thẳm. New Delhi đã trợ giúp hòn đảo bằng một khoản tín dụng 3,8 tỷ USD để trang trải các mặt hàng thiết yếu, nhiên liệu và phân bón. Ngoài ra, Ấn Độ cũng rất tích cực hỗ trợ nhân đạo.
Có thể thấy, việc Chính phủ Sri Lanka sụp đổ khi đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng là ví dụ điển hình của một nền kinh tế không vững chắc và phụ thuộc vào các khoản đầu tư nước ngoài không hiệu quả. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các quốc gia láng giềng khác của Ấn Độ, một điểm nhấn trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ và nhiều quốc gia, tổ chức. Đây sẽ là cơ hội để Ấn Độ mở rộng vòng tay kéo các quốc gia này về quỹ đạo của mình. Tuy vậy, những khoản nợ khổng lồ của các công ty Trung Quốc tại các quốc gia này khiến nỗ lực hỗ trợ của Ấn Độ khó có thể sớm thành công. Ví dụ, tại Sri Lanka, ảnh hưởng của Bắc Kinh sẽ khó phai nhạt khi Sri Lanka còn nợ Bắc Kinh khoảng7,8 tỷ USD và Bắc Kinh sẽ thâu tóm bằng việc sở hữu các cơ sở hạ tầng mang tính chất “gán nợ”…
Khi Ấn Độ cũng có những khó khăn riêng của mình, việc mở rộng vòng tay hỗ trợ các nước láng giềng trong khủng hoảng là cơ hội để New Dehli vươn lên nhưng tất nhiên để có được quan hệ gắn bó về mọi mặt với các quốc gia này, New Dehli cần phải thận trọng và kiên trì khi cạnh tranh địa chiến lược đang là xu hướng hiện nay.
Thanh Huyền