Ông đã có 10 năm tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở mặt trận Quảng Trị - Tây Nguyên (1967 -1976) và 32 năm công tác tại mảnh đất địa đầu của Tổ quốc (1976 -2000). Trên 40 năm qua, vừa học tập, chiến đấu, công tác ông đã xuất bản 10 đầu sách, trong đó có một tập bút ký “Nơi cửa trời” và chín tập thơ, trong đó có trường ca “Nơi ngọn nguồn đất nước” và thơ viết cho thiếu niên nhi đồng. Nhà văn Cao Xuân Thái đã đạt giải nhì thơ do báo Thiếu niên Tiền phong, Hội nhà văn Việt Nam tặng (2001), giải ba bút ký “Lên mỏm đất tột bắc”, tạp chí văn hóa các dân tộc Thiểu số Việt Nam (2004); giải nhì thơ – Bộ Tư lệnh Biên phòng tặng (Chương I trích trường ca “Nơi ngọn nguồn đất nước”).

Vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên cao nguyên đá, nơi địa đầu của Tổ quốc còn hằn mãi trong ông những kỷ niệm không thể phai mờ.

Mặc dù ông đã đi đã sống ở trong và ngoài nước, nhưng khi đến Hà Giang, ông hoàn toàn bất ngờ trước vẻ đẹp kỳ vỹ của mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Cuộc sống của đồng bào nơi đây và cảnh đẹp của thiên nhiên đã hút hồn ông từ những giây phút đầu. Phong tục tập quán của cộng đồng 23 dân tộc anh em với những nét tinh hoa văn hóa độc đáo và đặc sắc, bức tranh tuyệt mỹ của thiên nhiên còn là bức tường đá đầy khắc nghiệt thách đố con người. Con người ở đây vừa chân thực hồn nhiên vừa đầy nhiệt huyết và rất hấp dẫn. Ông cũng như đồng bào các dân tộc, như những cánh rừng đứng trước nắng gió, tuyết lạnh vượt lên gian khổ, vượt lên chính mình… Ai đó trên thế gian này từng nói: “Nhà văn là thư ký của thời đại”, quả thực không sai. Ông đã sống say mê và viết say mê trên đá.

Người dân ở đây quanh năm cày trên đá còn ông gần như cả đời nhọc nhằn tìm kiếm từng con chữ trên đá. Đó là hạnh phúc lớn không dễ nhà văn nào có được.

Nhà văn Cao Xuân Thái đã từng gắn bó máu thịt với các vùng đất: Quảng Trị, Tây Nguyên thời đánh Mỹ và ở Hà Giang thì các địa danh: Mốc 422 - điểm cao nhất cực Bắc Tổ quốc, Mã Pí Lèng, Thượng Phùng, Sơn Vũ, Khau Vai, Lũng Cú, Séo Lủ… rồi đến các ngọn nguồn sông Nho Quế, sông Chảy và các bản làng xa xôi heo hút: Mốc số 0, Trà Mần, Tà Lủng, Mỏ Phèng. Ở các vùng miền đó, hàng trăm năm nay, đồng bào các dân tộc sống lặng lẽ trên các triền núi hoặc những đỉnh núi bốn mùa sương phủ. Cuộc sống tưởng như phẳng lặng nhưng bên trong là cả một nội lực to lớn đang thao thiết chảy cùng thời gian, chẳng khác gì ngọn lửa đang âm ỉ cháy qua năm tháng... Với trái tim vừa đa cảm, vừa tinh tế nhạy cảm, nhà văn Cao Xuân Thái đã phát hiện đằng sau những đường cày trên đá là cái gì? Đằng sau màu áo lính bạc màu trên điểm tựa là gì? Đằng sau tiếng đàn môi da diết dưới đêm trăng là cái gì và ông đã viết hăm hở, viết với trách nhiệm lớn của một công dân muốn phản ánh một phần chân thực nào đó về thiên nhiên, về cuộc sống của con người nơi đây. Nền văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào dân tộc trên Cao nguyên đá chính là sức sống bất diệt của họ. Dường như dân tộc nào ở đây, ngoài sự khát khao cuộc sống, trong sâu thẳm họ còn có những nét bản sắc văn hóa riêng không lẫn vào đâu được. Chẳng hạn: Dân tộc Mông thường có “Hội Gầu Tào”, “Hội Xải Xán”, diễn ra vào những ngày đầu xuân năm mới. Người Tày có “Lễ hội Lồng Tồng”. Cuối tháng ba có “chợ tình Khau Vau” - một phiên chợ độc nhất vô nhị ở nước ta. Lễ hội “Cúng thần rừng” của người Pu Péo và ngày 6-6 hằng năm. Những phiên chợ vùng cao Hà Giang đầy ắp âm thanh, sắc màu. Nhạc cụ không thể thiếu được trong các phiên chợ là tiếng khèn, tiếng đàn môi, tục lệ hát giao duyên, mời rượu, ăn thắng cố, tâm giao, tìm “bạn tình”, chúc phúc nhau, hẹn ngày trở lại. Có thể nói: chợ tình Khau Vai là nét đẹp văn hóa, là nơi hội tụ của các thế hệ người dân tộc. Người già gặp lại hát những lời xúc động: Lâu không gặp tưởng đã mất - May mà ta không để tang nhau. Người trẻ thì hát: Người ơi xuống núi cùng em/ Hãy đem theo ngựa và đi một mình/ Em đây tuy chẳng còn xinh/ Có ô che nắng chợ tình phong lưu”. Mùa xuân ở Cao nguyên đá Hà Giang như sự dâng hiến của trời đất, hoa đào đỏ rực bên các sườn non. Hoa mận, hoa lê trắng miên man trên những con đường về các bản. Tiếng khèn, tiếng đàn môi réo rắt trầm bổng trên đầu non ngọn suối. Những năm gần đây, huyện Đồng Văn vẫn duy trì nếp thắp đèn lồng đỏ, mở chợ đèn vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch hàng tháng. Đối với nhà văn Cao Xuân Thái, chắc chắn sẽ có những tác phẩm sau khi viết xong vẫn còn ngân nga mãi những âm hưởng về con người về cuộc sống ở miền “Tột bắc”.

Tác phẩm “Lên mỏm đất tột bắc”, nhà văn Cao Xuân Thái đã viết về những con người đi chân đất, mặc áo vải, thổi khèn lá, trồng ngô trên đá. Không bằng lòng với số phận, họ đã ngày đêm bứt phá trong tư duy, trong hành động để tìm ra một lối đi đỡ chênh vênh, nhọc nhằn trên đá; tìm ra những hạt giống mới thay chỗ cho những hạt giống cũ để xây lên mái nhà hạnh phúc bền lâu của chính mình cũng như của dòng tộc, huyết tộc, quốc tộc.

Tuổi đời và tuổi viết đang ở độ “đương trai”

Vào cái tuổi như Bác Hồ đã nói: “63 mình nghĩ vẫn là đương trai”, quả thật mùa xuân này, nhà văn Cao Xuân Thái cả tuổi đời và tuổi viết xem ra còn rất “đương trai”. Ông tâm sự: Đã là nhà văn thì phải yêu, biết yêu, biết sống thì mới “đẻ” ra được tác phẩm. Nhưng đã yêu thì phải yêu mãnh liệt chứ yêu “nửa vời” thì chán lắm. Trong những ngày này, ông đã và đang say mê với những trang bản thảo để chuẩn bị ra mắt bạn đọc bút ký “Dưới chân núi Mã Pí Lèn” và giới thiệu đầy đủ, chi tiết về “Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá - Hà Giang”.

Trần Thị Nương