Ít ai biết anh lính cựu Bùi Đình Bôn mồ côi mẹ từ khi mới 9 tháng tuổi. Vào một đêm năm 1950, giặc Pháp đã nã đại bác vào làng của anh giết hại bà nội, chú ruột, con chú ruột và mẹ anh. Cậu bé Bôn may mắn được bà ngoại cứu sống từ trong số những tử thi đêm hôm đó.

Hơn 30 năm về trước, khi còn công tác cùng nhau ở Học viện Chính trị Quân sự, anh Bôn giảng dạy chính trị, còn tôi làm giáo viên văn hoá. Tôi chuyển công tác về Báo Quân đội nhân dân một thời gian thì anh cũng chuyển về Viện Chiến lược quân sự, sau đó được điều sang làm việc ở Hội đồng Lý luận Trung ương.

Những năm tám mươi, vào đêm trước của công cuộc đổi mới, tôi đã thấy anh Bôn khác một vài anh em cùng lứa tuổi với anh ở Học viện Chính trị Quân sự. Khác ở chỗ: Anh không chỉ tự bằng lòng với việc hoàn thành nhiệm vụ đơn vị giao mà hơn thế, dám nung nấu niềm tin, mài giũa ngòi bút, khai thác nội lực của bản thân, đóng góp cho công tác lý luận tuyên truyền, giáo dục tư tưởng. Bao nhiêu lần tôi gặp anh từ thị xã Hà Đông (cũ), làm bạn với chiếc xe đạp, đến với các toà soạn báo gửi bài. Và chính tôi nhiều lần đến gặp anh đặt viết bài cho Báo Quân đội nhân dân. Lần nào gặp anh, tôi cũng cảm thấy như tan biến đi những mệt mỏi và như muốn loại ra khỏi đầu mình những suy nghĩ quẩn quanh. Có lần tôi còn được anh đãi cơm canh mồng tơi do anh nấu trong một cái bếp tạm bợ thưng bằng bùn rơm trước cửa căn phòng thuộc dãy nhà tập thể của Học viện Chính trị Quân sự. Có buổi Báo Quân đội nhân dân họp mặt cộng tác viên, anh đã tới dự. Hôm ấy, trước mặt bao nhiêu cây bút sừng sỏ, anh vẫn tự tin, cởi mở nói về sức viết và những vấn đề đang ấp ủ, nghiềm ngẫm của mình khiến nhiều người trầm trồ nhưng cũng có người bảo anh sớm tự kiêu.

Nhiều giáo viên mới có ý định viết một bài nghiên cứu ở tờ báo này, hay tạp chí nọ đã ngại. Còn bảo họ cho ra đời một cuốn sách thì chắc chắn họ sẽ lắc đầu. Nhưng đối với anh Bôn thì không thế. Trước khi được phong hàm phó giáo sư, anh Bôn đã tặng tôi cuốn sách đầu tay của anh “Giai cấp công nhân Việt Nam – mấy vấn đề lý luận và thực tiễn”, NXB Lao động, Hà Nội, 1997 (đến năm 1999 tập sách được tái bản). Tiếp đó, anh còn tặng tôi tập sách thứ hai của mình là “Một số vấn đề giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay”, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997. Sau này, hễ viết được tác phẩm lý luận nào mới, kể cả các bài viết được công bố trên các báo, các tạp chí, anh không quên chia sẻ với tôi. Anh vẫn thường viết theo dáng dấp giáo trình trong nhà trường, đôi khi quá chỉn chu, công thức nhưng đọc vẫn thú vị, vì tác phẩm sau thường khởi sắc hơn tác phẩm trước, với nhiều ý kiến sắc sảo, cách nhìn mới; thái độ dứt khoát, rõ ràng. Điều đó chứng tỏ anh vừa có bản lĩnh vừa rất tâm huyết với nghề.

Nhưng điều đáng nói hơn thế về anh còn ở chỗ:

Với ước mơ có vị thế mới trong nghiên cứu khoa học, từ lâu, anh đã đồn tất cả sức lực, trí tuệ của mình vào việc làm chuyển biến một bước về chất trong nghiên cứu khoa học, trong đó, anh coi công việc làm luận án tiến sĩ triết học là một cú huých khởi đầu. Dạo ấy, khi làm luận án tiến sĩ triết học, đời sống của anh còn đẫy rẫy khó khăn, thiếu cả tiền trang trải việc đánh máy bản thảo và in ấn bản luận án.

Khi biết luận án tiến sĩ triết học của anh được Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước đánh giá xuất sắc, và quyết định cho in thành sách, tôi rất mừng. Tên tuổi của anh được ghi vào trong cuốn lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Kiến Quốc, tỉnh Hải Dương, quê hương anh thì càng mừng hơn (anh là phó giáo sư, tiến sĩ đầu tiên của xã Kiến Quốc). Anh xứng là lớp con cháu nối tiếp được truyền thống của cụ tổ dòng họ anh là Bùi Đình Chiếu, có tài cao, học rộng, đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ (làm quan tới chức Phó sứ Hàn lâm viện đồng tri phủ trấn Sơn Nam), ở thôn Cúc Bồ quê anh trước kia. Cả đời anh không ham hố chức vụ, cũng chẳng so đo, tính toán tìm cách đi “cổng hậu” để cầu lợi riêng; chỉ lặng lẽ gìn giữ sự ngay thẳng, trung thực, hết mình cho khoa học. Để đạt được mong muốn ấy, anh phải trăn trở, lao tâm khổ tứ. Là lính cựu nhưng năm 2009, anh vẫn là chiến sĩ thi đua của Hội đồng Lý luận Trung ương.

Dẫu gần gũi anh Bùi Đình Bôn đã lâu (kể từ khi anh còn là một giáo viên chính trị bình thường cho đến khi là đại tá, phó giáo sư, tiến sĩ triết học, nghiên cứu lý luận ở một cơ quan Trung ương), tôi và anh hiếm khi dành thời gian con cà, con kê chuyện thế thái nhân tình, chua cay mặn nhạt của sự đời. Khi nào có dịp gặp nhau, cả hai đều vồn vã và hướng câu chuyện vào ý tưởng nghiên cứu gì đó. Riêng có một buổi tối, anh đến nhà tôi chơi, sau khi anh xem tập thơ “Mưa rừng và võng đôi” của nhà thơ Phạm Đức mà tôi viết lời giới thiệu thì dường như những ký ức của anh Bôn bật dậy. Anh bảo, khi nào có điều kiện, anh sẽ in tập thơ tình. Tôi giục anh đọc thử một bài. Thật là bất ngờ. Một người có vẻ nghiêm nghị như anh mà bài thơ tình “Trọn đời yêu em”, anh viết da diết, nồng nàn, trong sáng làm sao! Bài thơ kể sự việc, kể nỗi lòng nhưng vẫn đứng được, bởi giàu hình ảnh lãng mạn.

Vào một buổi chiều khác khi đến chơi với anh, tôi lại bất ngờ khi được anh cho xem bao nhiêu hiện vật kỷ niệm trong đó có tậâp sổ tay ghi nhật ký và ghi những bài thơ anh sáng tác thời kỳ anh làm nhiệm vụ trên biên giới Lạng Sơn.

Nhắc đến địa danh bản Chắt trong bài thơ “Trên chốt tiền tiêu” của anh, tôi và anh đều xúc động với bao kỷ niệm xảy ra ở nơi cách đây đã mấy chục năm mà ngỡ như mới hôm qua. Dạo ấy, mỗi người chúng tôi có biết bao nhiều để nhớ, để yêu, để chiêm nghiệm.

Với anh Bôn, dạo ấy, sau khi làm chính trị viên Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 462, gần hai năm thì trở lại Học viện Chính trị Quân sự. Trước khi anh về, anh em trong đơn vị có nhã ý tặng anh một số gỗ lát để đóng thành giường, tủ làm kỷ niệm. Nhưng anh Bôn từ chối không nhận. Anh bảo, hôm qua anh mới đi thắp hương tưởng nhớ các chiến sĩ ngã xuống vì mảnh đất biên cương này, hôm nay anh không nỡ lòng nào vun vén cho riêng mình. Có người còn khuyên anh mang những thứ đồ ấy về để ở quê, khi nào xây dựng gia đình thì dùng. Anh Bôn vẫn không chịu nghe, anh bảo, hãy để đơn vị dùng chung.

Trước khi chia tay anh em trong đơn vị, anh đã vay của đơn vị 300 đồng để tổ chức bữa liên hoan với anh em. Khi về tới Học viện Chính trị Quân sự, anh lấy tiền tiết kiệm, nhờ đồng chí trợ lý thống kê chính trị của Tiểu đoàn 7 mang trả cho đơn vị cũ ở trên biên giới.

Không lợi dụng tình cảm của đồng đội, không tơ hào một đồng của đơn vị là đức tính của Bùi Đình Bôn. Nhưng lo gìn giữ phẩm chất của mình không thôi chưa đủ. Theo anh Bôn, phải góp sức mình giúp mọi cán bộ trong đơn vị gìn giữ được phẩm chất đạo đức của người cán bộ nữa.

Trước đây khi còn công tác ở Tiểu đoàn 7 anh đã đi đầu trong cuộc đấu tranh tự phê binh và phê bình trong nội bộ đơn vị. Dạo ấy, có cán bộ lợi dụng chức quyền để vun vén cho cá nhân nhưng không ai dám lên tiếng đấu tranh. Khi anh Bôn về công tác ở đây, với cương vị Chính trị viên, Bí thư Đảng uỷ Tiểu đoàn 7, Đảng uỷ viên Trung đoàn 462, anh cho tổ chức điều tra hiện tượng tiêu cực của một số cá nhân, sau đó tổ chức họp Đảng uỷ để bàn biện pháp đấu tranh khắc phục. Công tác đấu tranh chống tiêu cực trong đơn vị có kết quả mang đến cho đơn vị bầu không khí lành mạnh, quan hệ giữa cán bộ với cán bộ, cán bộ với chiến sĩ đã thay đổi hẳn…

Trên mỗi chặng đường đi qua, ở vị trí nào, Bùi Đình Bôn cũng tỏ ra dày dạn với việc đấu tranh gìn giữ phẩm chất người quân nhân, dẫu anh thừa biết cuộc đấu tranh đó không phải một sớm một chiều. Dù thế nào đi nữa, anh Bôn không buông xuôi trước cuộc đấu tranh bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải, dẫu có người nói với anh rằng, anh lao vào cuộc chiến ấy như đem trứng chọi với đá.

Chưa lúc nào tôi cảm thấy anh Bôn tỏ ra mệt mỏi trên con đường đi tới chân trời của mình. Nếu ngoảnh lại phía sau, hẳn anh Bôn cảm thấy cuộc đời hôm qua và cuộc đời hôm nay của anh vẫn là một dòng chảy? Vẫn một ý chí sắt đá ấy! Vẫn một trời nhiệt huyết ấy! Vẫn một khát vọng sống xứng đáng ấy!

LBT